Ai đã từng một lần đến với những bản làng quen thuộc của đất nước Lào, hẳn không bao giờ quên những biểu hiện của lòng yêu đời mến khách của nhân dân Lào; không thể quên những lời ca điệu múa tiếng đàn dân gian độc đáo của đất nước này.

Tiếp xúc với người Lào dù chỉ một thời gian ngắn, ta dễ dàng nhận ra những nét đặc sắc trong tâm hồn Lào: hồn nhiên, sôi nổi, nhiệt tình và có tài ca hát. Họ hát rất nồng nhiệt những điệu dân ca của mình như: Lăm Tơi vui tươi tình tứ, Lăm Loóng Khoóng man mác thiết tha, Khắp Ngưm dịu dàng êm nhẹ, Khắp Thùm sôi nổi rộn ràng…

mua-lam-vong.jpg
Các cô gái Lào uyển chuyển trong điệu múa Lăm Vông (Ảnh: Internet)

Ở khu vực Đông Nam Á, nhiều dân tộc có múa truyền thống, nhưng không phải dân tộc nào cũng có sinh hoạt múa phổ biến trong đời sống người dân như ở Lào. Theo tiếng Lào, “Lăm” là hát, “Vông” là tròn. Lăm Vông thường sử dụng những điệu dân ca, như dân ca Tăng Vải, Lăm Phơn, Lăm Xa-ra-van, Khắp Thùm.Khi múa thường có hát hoặc nhạc đệm, đặc biệt là tiếng trống hòa theo nhịp nhàng.

Người Lào không đánh trống mà vỗ trống. Dưới bàn tay thuần thục của họ, tiếng trống vang lên có sức cuốn hút lạ thường. Trống Lào có nhiều loại như: “Coong Tụm” (giống như trống Đại của Việt Nam), “Coong Thồn” (giống như trống Cơm). Lại có loại trống bịt một mặt, đường kính mặt trống chưa đầy gang tay, nhưng thân trống lại dài trên một mét, ở giữa thắt lại và thường được sơn màu đỏ có tên là “Coong Háng”. Loại trống này thường đi đôi với trống Đại và trống Cơm. Các loại trống 1hòa với nhau tạo nên không khí vô cùng náo nhiệt.

Không chỉ người lớn chơi trống giỏi, mà trẻ em Lào cũng chơi trống khá thành thạo. Không phải chỉ các chàng trai mà các cô gái cũng vỗ trống rất “điệu nghệ”. Có khi chỉ cần một chiếc trống giữ nhịp “cầm trịch” cũng đủ cho một đêm liên hoan tưng bừng hấp dẫn.

Nghe bài Lăm tơi Dân ca Lào Nghệ sĩ Tường Vy thể hiện

Người Lào có truyền thống sau những ngày gặt hái hoặc ngày vui, vào những đêm trăng sáng, bà con thường gặp nhau trò chuyện vui vẻ. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích lắng đọng hay những câu chuyện về tình yêu chung thuỷ không bao giờ dứt. Cuộc vui tiếp tục bằng những nốt nhạc tấu lên nhịp nhàng với những lời ca tha thiết. Những người có mặt từ già đến trẻ, nhất là thanh niên nam nữ, đố ai ngồi yên được khi tiếng nhạc lời ca mời mọc quyến rũ. Cứ thế càng múa càng say. Trong cuộc vui này, nếu có các vị khách thì họ không thể chỉ đứng ngoài cười và vỗ tay theo được. Các bạn Lào sẽ mời khách tham gia. Các vị khách lúc đầu hơi lúng túng ngượng nghịu, nhưng dần dà cũng nhịp nhàng, chân bước tay uốn, nhập cuộc nhanh chóng với lòng mến khách các bạn Lào.

Múa Lăm Vông rất phổ biến trong nhân dân Lào. Nó trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hoá, vừa là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, vừa có tác dụng giáo dục thẩm mỹ. Lăm Vông có đội hình vòng tròn, chuyển động theo hướng ngược với kim đồng hồ. Động tác của nữ là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xoè rộng và uốn cong. Chân thì cứ ba bước tới, một bước lùi. Còn phía trai thì lắng nghe những lời ca, những tiếng nhạc để “tự điều chỉnh mình” cho nhịp nhàng từng động tác. Và, nếu như không nghĩ tới công việc của ngày mai thì những cuộc Lăm Vông như thế kéo dài suốt đêm.

Nghe bài Hoa Champa Dân ca Lào Lời Việt: Nguyễn Viêm Nghệ sĩ Tường Vy thể hiện

Với tâm hồn lạc quan tươi trẻ và tài hoa, người Lào múa hát dễ dàng tự nhiên như “cơm ăn nước uống” hàng ngày. Phong tục của người Lào mỗi năm có khá nhiều “Bun” (lễ hội). Long trọng nhất là “Bun hốt nặm” (Hội té nước) mở đầu năm mới vào giữa tháng Tư (dương lịch). Nhân dịp đầu năm, người ta làm lễ buộc chỉ cổ tay chúc mừng nhau, rồi té cho nhau những giọt (có lúc cả dòng) nước thơm. Té nước xong lại cùng nhau múa hát.

Ngày nay, Lăm Vông vẫn giữ nguyên màu sắc dân tộc cùng những bài Lăm, bài Khắp độc đáo đã là niềm kiêu hãnh, tự hào của nhân dân Lào anh em. Với tiếng đàn La Nạt (còn gọi là đàn Thuyền), ta càng cảm động và thú vị khi biết rằng các vị lãnh đạo của đất nước cũng thường vui múa hát, cùng vỗ trống đánh đàn với nhân dân và chiến sĩ.

Vốn âm nhạc và múa cổ truyền ấy đã thật sự nuôi dưỡng tâm hồn của nhân dân Lào, cổ vũ họ trong mọi lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong tình hữu nghị quốc tế./.