Năm 2011 là một năm đặc biệt đối với ngành văn hóa Việt Nam, bởi hát Xoan đã vượt ra ngoài “cửa đình”, vượt khỏi không gian văn hoá dân tộc để đến với bạn bè năm châu và trở thành di sản văn hoá của thế giới.
Tôi tìm về ngôi đình Lưu Thượng, thành phố Việt Trì, Phú Thọ khi trời vẫn còn mờ sương lạnh, mưa xuân lất phất bay trên những tán cây ven đường. Từ sáng sớm, hàng chục nghệ nhân hát Xoan đã tề tựu trước sân đình để cùng đắm mình trong không khí Xoan ghẹo.
Ông Lê Trung Ngũ - Trùm phường Xoan Phù Đức trong một buổi biểu diễn nghệ thuật hát Xoan. |
Nghệ nhân Lê Thị Tú, 76 tuổi ở phường Xoan Phù Đức không giấu nổi niềm vui, niềm tự hào khi hát Xoan được vinh danh bên cạnh những di sản văn hóa thế giới. Năm nay, 3 mẹ con bà Tú, cũng là 3 nghệ nhân kỳ cựu của phường Xoan Phù Đức sẽ đón một cái Tết thật đặc biệt để ghi nhớ sự kiện này.
Bà Tú cùng những nghệ nhân không thể tin được rằng những câu hát, điệu múa hằng ngày mẹ con bà vẫn hát ở xóm, ở làng lại được người dân cả nước, cả thế giới biết đến. Bà Tú bảo, xuân này, phường Xoan của bà cũng như những phường Xoan khác phải chuẩn bị thật kỹ càng những tiết mục hay nhất, đặc sắc nhất để trình diễn cho bà con xem. Đồng thời, các nghệ nhân phường Xoan đang bảo nhau phải tập trung truyền dạy cho con cháu nhằm bảo tồn, gìn giữ di sản độc đáo này.
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt ông Lê Trung Ngũ - Trùm phường Xoan Phù Đức. Ông Ngũ cho biết, sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát Xoan, bố ông làm Trùm và ông được theo ông cụ từ nhỏ. Thật vinh dự cho địa phương khi có một di sản văn hoá được thế giới công nhận là di sản của nhân loại, đồng thời trong mỗi người dân ở trùm xoan Phù Đức đều thấy tự hào khi đã giữ gìn và đóng góp cho đất nước một di sản để góp vào di sản chung của thế giới.
Hát Xoan gắn liền với sinh hoạt của người dân, nó chỉ được dạy lại, lưu giữ lại bằng cách truyền miệng. Trên đất Văn Lang xưa, các làng Xoan nối nhau thành một dải, vắt từ sông Lô sang sông Thao, vòng mé trước núi Hùng nơi có Đền Hùng mộ Tổ như một chuỗi hạt châu. Ngày ấy, hát Xoan gần gũi với đời sống người dân hơn bao giờ hết. Đến nay các phường Xoan cổ ở Phú Thọ chỉ còn 4 phường: An Thái (xã Phượng Lâu); Thét, Phú Đức, Kim Đới (xã Kim Đức). Các nghệ nhân còn khoảng 69 người, trong đó 31 nghệ nhân đã bước vào tuổi từ 80 - 104 và chỉ có 8 nghệ nhân có khả năng truyền dạy.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn, ở phường Xoan An Thái, năm nay mới 22 tuổi nhưng đã có thâm niên trong nghề được 10 năm. Anh cũng là một trong số ít những nghệ nhân trẻ tuổi được đánh giá là có triển vọng trở thành trùm phường Xoan trong tương lai.
Anh Tuấn tâm sự: Từ năm 12 tuổi đã được làm quen với Xoan, và cũng được đi hát ở những nơi cửa đình, làng bên, xã bạn. Những ngày mới đầu được làm quen với Xoan, anh bỡ ngỡ và thấy khó hiểu. Cho đến bây giờ, thế hệ trẻ như anh Tuấn có nhiều người không thích, quay lưng lại với xoan, nhưng với bản thân, sau quá trình làm quen với Xoan, anh Tuấn đã thấy thấm thía những làn điệu này và hát Xoan trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.
Trong số những nghệ nhân biểu diễn ở phường xoan hiện nay, đã xuất hiện những em nhỏ mới chỉ 10 -12 tuổi nhưng đã biết hát, biết biểu diễn những điệu múa cổ một cách thành thạo. Em Nguyễn Ngọc Hoa, ở phường Xoan Kim Đới mới chỉ 12 tuổi nhưng đã thuộc nằm lòng được khá nhiều điệu Xoan cổ. Nhìn em biểu diễn với niềm đam mê thơ ngây của con trẻ cùng các nghệ nhân trước sân đình và những mong ước giản dị của em khiến chúng ta có thể tự hào cho sự phát triển của Xoan sau này.
Ngọc Hoa cho biết, trước đây ở nhà có ông nội thường đi hát Xoan, bây giờ ông già rồi chỉ có bà cháu vẫn còn đi hát. Ông bà chính là những người truyền dạy hát Xoan cho Ngọc Hoa. Hát Xoan rất hay và Ngọc Hoa đã học thuộc được 4 – 5 điệu.
Để tìm được người kế tục đam mê như Tuấn, như Hoa không phải dễ. Tìm được người yêu thích Xoan là một chuyện, lại phải cần có năng khiếu, bỏ công sức, thời gian để theo học Xoan đó mới là điều khó. Thế nên, cùng với niềm tự hào khi Xoan được UNESCO công nhận, đó là nỗi lo của những nghệ nhân khi không gian Xoan ngày càng bị thu hẹp bởi giờ vẫn còn quá ít người trẻ tuổi muốn học, muốn theo môn nghệ thuật này.
Hát Xoan, cũng có nghĩa là hát Xuân - hát khi mùa xuân về, hát mong cho mùa màng tươi tốt, cho sức khoẻ dồi dào, cho niềm hy vọng,… Và như ý nghĩa của những lời Xoan mộc mạc, dân dã, gần gũi hy vọng rằng, Xoan sẽ được bảo tồn và phát triển bởi ý thức và tình yêu của các cộng đồng nơi sản sinh ra chúng./.