Cách thành phố Yên Bái khoảng 50km, đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Đền Đông Cuông thờ Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn và các vị anh hùng người dân tộc thiểu số trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thời Trần.

Năm 2009, đền Đông Cuông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Với nhiều nghi lễ đặc trưng, nhiều lễ hội độc đáo, từ lâu đền Đông Cuông đã trở thành điểm đến trên hành trình tìm về cội nguồn, du xuân đầu năm cầu tài cầu lộc của đông đảo du khách thập phương.

1_ptcf.jpg
Hàng nghìn người đổ xô về lễ hội đền Đông Cuông

Trong ngày 15/2 (tức mùng 8 tháng Giêng) - ngày chính hội đã diễn ra nhiều nghi lễ đặc biệt và các hoạt động đặc sắc. Hàng nghìn du khách gần xa đã về dự lễ hội. Theo truyền thống, Lễ hội đền Đông Cuông mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu và các vị Thần vệ quốc, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày Mão đầu năm. Tiếp sau lễ mổ trâu là lễ rước Mẫu sang sông, lễ dâng hương tế Mẫu...

Thời điểm này, mặc dù trời mưa nhỏ và rét đậm nhưng hàng ngàn du khách thập phương và nhân dân trong vùng đã về đền Đông Cuông, cầu mong những điều may mắn sẽ đến với đất nước, gia đình, người thân, bạn bè….

Bên cạnh các nghi lễ theo truyền thống, trong Lễ hội đền Đông Cuông năm nay, huyện Văn Yên tổ chức nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao truyền thống như: đua thuyền, ném còn, đẩy gậy, kéo co… Trong dịp này cũng diễn ra phiên chợ quê giới thiệu, quảng bá các sản vật của địa phương và hội chọi trâu hấp dẫn...

Lễ rước Mẫu sang sông

Ông Nguyễn Anh Tiến, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Văn Yên, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội Đền Đông Cuông 2016 cho biết: “Những năm gần đây Ban chỉ đạo lễ hội đền Đông Cuông đã có những chỉ đạo sâu sát nên tại Lễ hội Đền Đông Cuông không có tình trạng lợi dụng lễ hội để tuyên truyền đạo trái phép, không có tình trạng lợi dụng để xúc thẻ quẻ và các hoạt động mê tín dị đoan. Đến với lễ hội du khách có một môi trường hết sức trong sạch và lành mạnh”./.