"Hà Nội 4 mùa và những cánh cửa, cổng xưa" là những hình ảnh mới nhất trong triển lãm tranh sơn dầu mà họa sĩ Văn Dương Thành ra mắt công chúng từ ngày 9/5/2015  tại xưởng vẽ White Lotus, 210 Nghi Tàm, Hà Nội. Để hiểu hơn về nội dung và ý nghĩa của triển lãm, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với họa sĩ Văn Dương Thành:

img_1558_zdco.jpgHọa sĩ Văn Dương Thành và những bức tranh về Hà Nội của mình.
PV: Thưa bà. Bà có thể cho biết những nét mới trong cuộc triển làm lần này?

Họa sỹ Văn Dương Thành: Những bức tranh trong cuộc triển lãm này là sự  tìm tòi đến một số chi tiết kiến trúc còn sót lại ở Hà Nội. Tôi muốn diễn tả một Hà Nội rất nho nhã, dung dị và khiêm tốn. Có thể là những ngõ hẻm rất xa vắng, ít khi người ta chú ý tới. Ở đó tôi phát hiện ra những giá trị văn hóa rất là tuyệt vời và hấp dẫn. Những góc cửa còn lại nguyên sơ đã tồn tại đến cả trăm năm giờ đã bị xệ xuống, những song sắt đã hoen rỉ, nhưng trong đó vẵn chứa những phẩm chất đẹp.

Nhưng thanh sắt uốn lượn, cách thiết kế từng hình rất dí dỏm, tình cảm. Chỉ một góc nhỏ thôi cũng để bạn nhớ về thơ ấu và có sự yêu mến và gắn bó với người xưa. Lần này tôi đem vào tranh những ngõ nhỏ, ống máng, vỉa hè và bờ hè đá hộc còn sót lại. Tôi muốn đi vào một đời thường, dung dị của Hà Nội.

PV: Để thể hiện những điều đó bà có áp dụng bút pháp đặc biệt nào không?

Họa sỹ Văn Dương Thành: Lần này có 2 mảng, 1 mảng hiện thực, tôi tả thực từng chi tiết như cái bóng nước ánh lên trên những lá sen… Một mảng khác là hoàn toàn trừu tượng. Tôi lấy cảm xúc từ những cánh cửa cũ Hà Nội. Những cánh cửa nhấp nhô, cái cao, cái thấp, cái hình tròn chữ thọ, chữ phúc. Tôi chỉ lấy ý tưởng, cảm xúc từ một mẫu vật có thật để tạo nên một không gian của mình. Đó là một Hà Nội của riêng mình, một khoảnh khắc thoáng qua.

Họa sĩ Văn Dương Thành chia sẻ: "Tôi muốn đi vào một đời thường, dung dị của Nà Nội".
Thỉnh thoảng tôi vẫn muốn quay về cổ điển, tôi học hội họa cổ điển 17 năm, vì thế tôi mê cổ điển lắm, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn muốn có cái gì dó bay bổng, thoát ra để đưa cái cảm xúc riêng của mình. Có khi tôi tả kỹ những cũng có khi buông, thoải mái và thanh thoát. Chỉ là  ghi lại một giây phút, một chút cảm xúc đã qua mà không lấy lại được nữa .

PV:Có một nhà nhiếp ảnh lão thành rất yêu Hà Nội đã nói: “… vẻ đẹp của Hà Nội đang mất dần, đang yếu ớt cuỡng lại định mệnh, mà sớm muộn cũng sẽ biến dần vào ký ức của thời gian, có chăng chỉ đọng lại trong sự lãng mạn của hội hoạ, âm nhạc, thi ca cùng tiếng thở dài của những nguời cùng thời…” Bà có chia sẻ gì về điều này?

Họa sỹ Văn Dương Thành: Cái đó là điều hiển nhiên, Thủ đô nào cũng phải chịu một sự thay da đổi thịt và biến đổi, để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhưng tôi thấy Hà Nội còn lại rất nhiều so với nơi khác.

Những người  bạn Pháp nói với tôi, khi qua đây họ hết sức cảm động và bâng khuâng khi nhìn thấy một góc của miền nam nước Pháp, một góc miền núi nước Pháp. Một cánh cửa mở ra thôi nhưng người ta cũng nhìn thấy chi tiết quê hương họ. Hà Nội còn giữ lại được khá nhiều sự duyên dáng. Có một nhà báo cách đây 5 năm đã nói: “ Hà Nội là thiên đường cho hội họa”./.