Chợ phiên Tráng Kìm là chợ cổ đã có rất lâu đời ở xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Họp duy nhất mỗi tuần một lần, ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa, phiên chợ cổ này còn là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa truyền thống của các dân tộc, trở thành nét văn hóa gắn liền với đời sống của bà con trong vùng.

cac_mat_hang_tho_camvov__krcj.jpg
Các mặt hàng thổ cẩm tại chợ.

Cứ vào sáng thứ 5 hàng tuần, từ tờ mờ sáng, thấp thoáng trên khắp các nẻo đường vùng cao Quản Bạ, bà con đã xúng xính áo váy, người ngựa  cùng nhau xuống chợ cổ Tráng Kìm. Người mang đôi gà, con lợn, mớ rau đi bán tại phiên chợ, người đến sắm sửa thêm cho gia đình những vật dụng mới, bộ trang phục mới chuẩn bị đón Tết.  

Chợ Tráng Kìm nằm cách trung tâm thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ khoảng 10 km. Những mặt hàng được bày bán ở chợ phiên Tráng Kìm khá phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều sản vật của bà con vùng cao làm ra như: thổ cẩm, mật ong, nấm hương, gạo, ngô, đậu tương, các loại rau... Riêng khu vực trao đổi, mua bán gia súc, gia cầm được bố trí một góc riêng, cũng rất nhiều loại: gà đen, lợn tên lửa, dê, ngựa, nhưng nhiều nhất vẫn là bò bởi vùng cao nguyên đá này, bà con phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc.

Chợ còn có khu hàng ăn với những nồi thắng cố khói nghi ngút, bên những chai rượu ngô thơm nồng; những món ăn đặc trưng của xứ núi là mèn mén và tổ chua đặc trưng riêng. Cùng với đó là món phở Tráng Kìm, một trong những đặc sản nổi tiếng nhất ở Hà Giang có cách đây hàng trăm năm, do một đôi vợ chồng thương nhân người Hoa làm ra, và được lưu truyền đến tận bây giờ.

Phở Tráng Kìm vô cùng nổi tiếng.

Phiên chợ còn bày bán những dụng cụ thiết yếu rất gần gũi với đồng bào vùng cao như: dao, quốc, xẻng, điếu hút thuốc lào, máy quay sợi do chính tay người vùng cao làm; các sạp trang sức vùng cao cũng vô cùng phong phú, thiên về bạc hợp với phong cách của người dân tộc vùng miền. Những sạp hàng bán vải vóc, quần áo  không thể thiếu những bộ đồ truyền thống của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày ở đây.  

Chị Vàng Thị Mỷ, ở xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang có mặt từ rất sớm ở chợ bán hàng, cho biết: “Tôi ở tận xã Thanh Vân xuống đây bán váy áo dân tộc Mông chúng tôi do tôi tự làm. Lần nào mở chợ phiên tôi cũng đi bán, tôi còn bán cả ở chợ Quản Bạ, chợ Thanh Vân nữa”.

Về sự hình thành và phát triển chợ phiên Tráng Kìm, ông Vàng Giáo- một người am hiểu về văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mông ở Hà Giang, cho biết: “Qua nghiên cứu tôi được biết chợ đã có cách đây vài trăm năm. Sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp xây đồn cho bộ máy Quan Ba ở Tam Sơn- Quản Bạ hiện nay để thực hiện chính sách chia để trị, bước tường thành ở Cán Tỷ được xây dựng nhằm ngăn cách đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn với các dân tộc ở vùng núi thấp. Khi đó Tráng Kìm là địa điểm cho đội quân viễn chinh ở đó bắt người đi phu. Sau này quân viễn chinh rút về Quản Bạ Tráng Kìm được nhường lại cho một số thương nhân người Hoa ở và làm ăn buôn bán. Thế là chợ Tráng Kìm dần được hình thành và ngày càng phát triển cho đến bây giờ”.

Bò bán ở chợ Tráng Kìm.

Chợ phiên Tráng Kìm được mở chính vào sáng thứ 5 hàng tuần và thường chỉ kéo dài đến trưa là tan. Khác với những chợ phiên ở nơi đây, chợ Tráng Kìm toát lên một vẻ đẹp vừa hoang sơ, mộc mạc lại vừa độc đáo, là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa của người Việt và người Việt gốc Hoa ở vùng cao Hà Giang. Đặc điểm này khiến chợ phiên này không chỉ thu hút rất đông bà con các dân tộc vùng cao Hà Giang, mà còn nhiều du khách trong, ngoài nước đến thăm quan chợ. Có lẽ cũng vì vậy mà bây giờ chợ phiên cổ Tráng Kìm đã mở thêm một phiên chợ phụ vào sáng chủ nhật.

Những ngày giáp tết, chợ phiên cổ Tráng Kìm càng thêm nhộn nhịp. Trên khắp các nẻo đường về bản, hình ảnh người ngựa lỉnh kỉnh đồ đạc để lại ấn tượng thật khó quên trong lòng du khách mỗi lần được hòa mình vào không gian các phiên chợ cổ này./.