vov_1_gonv.jpg
Từ sáng sớm, dọc phố Quan Nhân dẫn vào đình làng, người người qua lại tấp nập.
Rất nhiều em nhỏ được ông bà, bố mẹ đưa tới để sắm sửa đồ Tết cũng như giúp các em hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông đồ bên giấy đỏ mực nghiên là hình ảnh hết sức quen thuộc trong ngày Tết.
Mọi người xin chữ để mong gia đình mình sẽ gặp may mắn, vạn sự như ý.
Các em nhỏ được các bà, các mẹ đưa tới xin chữ “Giỏi”, “Cần”, “Đăng khoa”… để năm mới sẽ chăm chỉ học hành hơn nữa.
Chợ Tết ở làng Mọc bày bán rất nhiều sản phẩm truyền thống như tò he, kẹo kéo, các loại bánh, hoa quả. Những que kẹo kéo trắng muốt, thơm ngọt là món ăn yêu thích của trẻ em.
Anh Đặng Đình Giáp (Phú Xuyên, Hà Tây) - người bán tò he chia sẻ: “Mình làm tò he được gần 20 năm rồi. Còn bán ở chợ 27 Tết này thì cũng được 12 năm rồi. Năm nào cũng ra đây thấy chợ đông vui, náo nhiệt lắm”.
Chợ 27 Tết là dịp để mọi người mua sắm, trao đổi hàng hóa ngày Tết. Nhiều người dân chọn lựa kĩ lưỡng những nải chuối đẹp để thắp hương đêm giao thừa.
Những chiếc bàn là truyền thống có hình con gà – linh vật của năm 2017.
Theo phong tục Việt Nam, cứ đến 29 hoặc 30 Tết, mọi người sẽ tắm bằng lá mùi già để xua tan những chuyện không vui, vướng bận của năm cũ và đón chào năm mới với nhiều hạnh phúc, may mắn hơn.
Năm nay, phiên chợ có thêm điểm đặc biệt là câu lạc bộ của chính những người trong làng tới hát xẩm phục vụ người dân tới mua sắm. Được thành lập một năm nay, câu lạc bộ là nơi để người dân sinh hoạt, giao lưu, học hỏi và giữ gìn những nét văn hóa dân tộc.
Cô Phan Thị Kim Dung (ngồi giữa) - Chủ nhiệm CLB hát xẩm của phường Quan Nhân cho biết: “Tôi rất phấn khởi khi tham gia phiên chợ hôm nay. Người dân vẫn còn giữ được nét truyền thống dân tộc. Năm nay được hát thế này tôi thấy vui lắm!”