Nét đặc sắc của lễ hội Nguyễn Trung Trực khó nơi nào trong cả nước có được là khách tham quan được đón tiếp một cách chu đáo, tận tình. Đến với lễ hội, người dân có cảm giác như về dự lễ giỗ của gia đình. Không chỉ được đãi cơm chay miễn phí trong suốt thời gian diễn ra lễ hội mà du khách còn được tạo điều kiện để nghỉ ngơi, tham quan, mua sắm.
Diễu hành từ công viên tượng đài cụ Nguyễn Trung Trực về Đình thờ |
Tề tựu về đây, người góp công, người góp của để cùng nấu nướng phục vụ cho hàng trăm ngàn du khách đến viếng đền thờ. Không có tình trạng bát nháo, chặt chém, kinh doanh theo kiểu chộp giật như thường thấy ở các lễ hội khác. Chính vì vậy mà lượng người về dự lễ hội năm sau luôn cao hơn năm trước.
Bà Bùi Thị Đàn ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tôi về đây trước để kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, sau là cầu cho quốc thái dân an. Buổi sáng tôi phụ giúp nấu nướng, buổi chiều thì đi dự lễ hội. Ở Kiên Giang này chu đáo lắm, đãi khách các tỉnh về dự rất chu đáo, vì vậy mà mỗi năm số du khách lại tăng lên”.
Năm nay, ước lượng khách đến viếng Đình gần 1 triệu lượt người. Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, lực lượng Công an Kiên Giang đã tăng cường bố trí tại các khu vực trọng điểm, tăng cường tuần tra lưu động trên một số tuyến đường chính ở TP Rạch Giá. Nhờ vậy mà tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, không xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài.
Hoạt cảnh tại lễ dâng hương |
Năm nay do là năm chẵn nên lễ giỗ được tổ chức với quy mô lớn hơn các năm trước. Ngoài phần lễ được tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống, phần hội là chuỗi các sự kiện, hoạt động hấp dẫn như Hội chợ triển lãm Thương mại – Du lịch, ẩm thực Nam Bộ, triển lãm ảnh ngoài trời, giải Vovinam vô địch tỉnh Kiên Giang… Đặc biệt là “Không gian đờn ca tài tử Nam Bộ” nhằm phục hồi, bảo tồn và phát huy dây đờn Rạch Giá… Kiên Giang cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị hội đồng di sản quốc gia công nhận là lễ hội tiêu biểu cấp quốc gia và tuyên truyền cho việc UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể trong tháng 10 năm nay.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở Văn hóa – thể thao – du lịch tỉnh Kiên Giang nói: “Lễ hội năm nay chúng tôi tổ chức với quy mô hơn mọi năm nhằm củng cố hồ sơ và các luận cứ để đề nghị Hội đồng di sản quốc gia công nhận là lễ hội tiêu biểu cấp quốc gia ở Kiên Giang”.
Khách hành hương đến với lễ hội Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang không quản ngại đường xá xa xôi, không phân biệt dân tộc, đạo giáo. Tất cả mọi người về đây với tấm lòng thành, với tinh thần truyền thống cao đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, cùng thắp nén hương thành kính dâng lên tổ tiên, dâng lên những anh hùng dân tộc đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ Quốc./.