Chủ trương xây dựng cầu vượt Xã Đàn của thành phố Hà Nội đang được dư luận quan tâm đặc biệt. Trong khi các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng xây dựng công trình này sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích đàn Xã Tắc thì cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự đồng tình nên tiến hành xây dựng cầu nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết trong việc đi lại của người dân thành phố. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hảo – nguyên Phó Viện trưởng Viện khảo cổ xung quanh vấn đề này.

ong%20hao.jpg
Ông Nguyễn Văn Hảo

PV: Thưa ông! Là người công tác lâu năm trong ngành khảo cổ, ông có thể cho biết ý kiến của mình về khu vực được cho là có di tích Đàn Xã Tắc ở ngã năm Ô Chợ Dừa - nơi thành phố Hà Nội định xây cầu vượt? 

Ông Nguyễn Văn Hảo: Đặc điểm cơ bản của một cái Đàn Xã Tắc là một cái gò đất cao, hình vuông (biểu tượng cho đất), có thể cao 2 – 3 tầng tùy từng thời kỳ. Mặt đàn có hình tròn (biểu tượng cho trời) làm bằng vật liệu 5 màu, biểu hiện cho ngũ hành. Đó là đàn để tế thần đất và thần Ngũ cốc mà chúng ta quen gọi là Đàn Xã Tắc.

Thế nhưng, trong cuộc khai quật vào năm 2006- 2007 ở khu vực Ô Chợ Dừa thì có phát hiện một số vết tích kiến trúc được xây dựng bằng những viên gạch hình chữ nhật, hình vuông. Những vết tích kiến trúc ấy giống như một lối đi trên một mặt bằng, nó không phải là bậc tam cấp để lên gò tế thần, cũng không phải tường vây, vật liệu xây dựng cũng không phải 5 màu để tượng trưng cho Ngũ hành. Do vậy, những vết tích kiến trúc đã phát hiện chưa mang đặc trưng gì của Đàn Xã Tắc cả. Do đó, tôi nghĩ rằng đây chưa phải là Đàn Xã Tắc. 

PV: Nhưng nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho đây là Đàn Xã Tắc và yêu cầu phải bảo tồn. Ông nghĩ sao ?

Ông Nguyễn Văn Hảo: Đã là di tích thì phải bảo vệ. Nhưng bảo vệ di tích gì thì phải tính toán. Ai khẳng định đây là Đàn Xã Tắc thì phải đặt nó lên bàn. Hình thù nó ra sao, nó nằm ở tọa độ nào? Một khi chưa làm được điều này mà cứ yêu cầu người ta phải bảo vệ thì tôi cho là thật vô lý!

PV: Nghĩa là ông ủng hộ việc xây dựng cầu vượt ở đây?

Ông Nguyễn Văn Hảo: Hà Nội có nghìn năm lịch sử, có thể nói là đi ra ngõ gặp di tích. Đào xuống chỗ nào cũng có thể gặp dấu vết cư trú của người ngày xưa cả. Do vậy, việc phát triển hiện nay và việc bảo tồn các di tích, di sản của người xưa có mâu thuẫn nhất định. Làm sao vừa bảo vệ được di tích, vừa phát triển tốt thì cái đó đã có qui định. Trước yêu cầu của thành phố Hà Nội cần có một cây cầu vượt để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông khu vực này, thì rõ ràng chúng ta phải ưu tiên cho việc xây cầu vượt. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm này. 

PV: Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng câu chuyện Đàn Xã Tắc ở Ô Chợ Dừa là hậu quả của việc không “quy hoạch” khảo cổ học trước khi qui hoạch phát triển thành phố. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hảo: Phải nói rằng đây là từ rất mới. Làm khảo cổ học đã 30 – 40 năm nay, đây là lần đầu tiên nghe thấy cái gọi là “quy hoạch khảo cổ học”. Đối tượng của khảo cổ học ít nhất là có 3 loại: một loại nằm trên mặt đất, loại thứ hai nằm dưới mặt đất và loại thứ ba nằm ở dưới biển cũng không nhìn thấy được. Vậy thì “quy hoạch” ở đây chỉ là qui hoạch để bảo vệ những di tích trên mặt đất mà thôi.

Đàn Xã Tắc và khu vực tranh cãi xây cầu vượt (ảnh: Huy Phương)

Những di tích ấy thì việc qui hoạch không có vấn đề gì. Còn qui hoạch đối với những cái dưới mặt đất và dưới mặt biển thì không thể làm được. Bảo tồn tại chỗ không phải là cách duy nhất. Người ta có thể bảo tồn bằng cách khai quật nó, rồi chuyển hóa thành tư liệu, chữ viết, hình vẽ, ảnh chụp một cách chi tiết, đưa vào phòng tư liệu để phục vụ cho những người đến sau nghiên cứu. Đó là cách làm rất phổ biến. Còn việc bảo tồn tại chỗ chủ yếu phục vụ cho người đang sống, cho khách tham quan du lịch không có điều kiện đọc, hiểu tư liệu, người ta có thể nhìn những hiện vật đó mà cảm nhận được.  

PV: Nhiều ý kiến cho rằng khi chưa có kết luận chính xác thì tốt nhất là phải thận trọng? Theo ông, Hà Nội phải làm gì để thỏa mãn 2 yêu cầu này?

Ông Nguyễn Văn Hảo: Để làm được điều đó, tôi kiến nghị là trước khi thi công cầu vượt, ta có thể tiến hành đào thám sát khảo cổ học. Tức là đào những hố nhỏ 1-2 m trong phạm vi xây dựng cầu để chúng ta xem dưới mặt đất nó là như thế nào. Lúc đó chúng ta sẽ có các quyết định cụ thể. Nếu nó là những di chỉ quan trọng thì phải tiến hành khai quật trước khi xây dựng cầu, còn nếu không có gì quan trọng thì theo tôi là hãy để cho việc thi công cầu được tiến hành thuận lợi.

PV: Xin cảm ơn ông./.