Sáng nay (13/10), tại trụ sở Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hà Nội, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã công bố quyết định thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. 

Theo quyết định, Đoàn công tác của  Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam giai đoạn khi bắt đầu cổ phần hóa (năm 2014) đến khi thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Viện Nam (tháng 6/2017), nếu cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ này.

p1_ywpz.jpg

Ảnh: baochinhphu.vn

Thời gian thanh tra là 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định). Đoàn thanh tra gồm 7 thành viên do ông Nguyễn Hữu Nhường, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra khối văn hóa, xã hội (Vụ III), Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn. Thanh tra Chính phủ cũng giao Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra giúp Tổng Thanh tra Chính phủ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

Trước đó, ngày 21/9, tại buổi làm việc với lãnh đạo bộ, ngành, Hãng phim truyện Việt Nam và Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát lại việc xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị thương hiệu mang tính lịch sử của hãng phim. Tuy nhiên, các bộ đều báo cáo là chưa có tiền lệ, nên chỉ có thể xác định theo cách tính thông thường, với giá trị thương hiệu bằng 0.

Về vấn đề này, Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đã tổ chức cuộc họp báo, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo thanh tra độc lập, liên ngành xem xét một cách khách quan toàn bộ tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam; đặc biệt là việc định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam./. 

Hãng phim Việt Nam có trụ sở tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội, được thành lập vào năm 1953, trực thuộc Bộ VH-TT&DL.

Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình; hoạt động vui chơi giải trí (trừ loại hình vui chơi giải trí Nhà nước cấm); nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động (không bao gồm kinh doanh quán bar, phòng hát karaoke, vũ trường)…

Lịch sử tồn tại của Hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Tuy nhiên, 20 năm gần đây, nhiều dự án của Hãng liên tục thua lỗ. Năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại.

Nhiều nghệ sĩ điện ảnh gạo cội đã bức xúc ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hóa, nhất là khi thương hiệu gần 60 năm của Hãng chỉ được xác định bằng 0 đồng, trong khi đó Hãng lại sở hữu 4 khu đất có vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.