Thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ tại Phiên họp thứ 15 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/10, liên quan vấn đề cổ phần hoá, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, với doanh nghiệp có thương hiệu, vốn lớn thì không phải cứ đem ra đấu giá cao là được, mà cần quan tâm góc độ nhà đầu tư.
“Ví dụ Hãng phim truyện Việt Nam, không biết ông vào mua có làm phim không, hay đẩy nghệ sĩ ra đường, lại còn nói nghệ sĩ là Chí Phèo nữa!” – Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng và nhấn mạnh có những doanh nghiệp mạnh, là nơi tạo nguồn thu lớn, việc cổ phần hoá là đúng nhưng nhưng không bằng mọi giá để lấy giá cao mà để mất đi sản phẩm hàng hoá thương hiệu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Quốc hội) |
“Các nhà đầu tư người ta mua vào tiếp tục sản xuất hay là xoá mất sản phẩm thương hiệu đó? Vừa rồi tôi thấy đấu giá cứ giá cao nhất là bán. Nhà đầu tư có tâm huyết để vào tiếp tục sản xuất và tiếp tục phát triển sản phẩm có thương hiệu hay không thì phải chú ý” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Dù tạo cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách và lộ trình rõ ràng, minh bạch cho quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, song báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chưa thực chất, chưa nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Số doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn mặc dù giảm, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn còn cao.
Tính đến hết tháng 8/2017, đã hoàn thành cổ phần hóa 18 DNNN, đã công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa 12 DNNN, đang tiến hành xác định giá trị 14 DNNN. Ước cả năm 2017 có thể hoàn thành cổ phần hóa 38/44 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra. Về thoái vốn, mới bán phần vốn nhà nước tại 26 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 863,8 tỷ đồng (bằng 95,1% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.815,3 tỷ đồng
Báo cáo cái nào “trùm mền”, cái nào “đắp chiếu”
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, đến hết tháng 8/2017, số nợ đọng thuế là 74.127 tỷ đồng, giảm 810 tỷ đồng so với tháng 7, chiếm 8% trên tổng thu nội địa. Trong đó, nợ có khả năng trả là hơn 27.913 tỷ đồng, chiếm 37,7% tổng nợ đọng, giảm 2.920 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Như vậy, tổng nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu nội địa là 3%. Tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa tuy vẫn cao, nhưng đã giảm dần từ năm 2014 là 12,2%, đến hết năm 2016 còn 8,5% và nay còn 7,8%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Quốc hội) |
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Tài chính đang tổng hợp, phân tích để xin cơ chế xử lý và nếu xử lý được số nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi thì tỷ lệ nợ đọng thuế sẽ giảm xuống mức rất tích cực là 3%.
“Chúng tôi kiến nghị đưa vấn đề này vào Nghị quyết Quốc hội, đề xuất Quốc hội giao Chính phủ sửa Luật Quản lý thuế để xử lý được vướng mắc, khó khăn này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội đã không đồng ý xoá khoản nợ không còn khả năng thu hồi thì đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem lại, đến lúc nào đó báo cáo Quốc hội rõ trong mấy chục nghìn tỷ nợ đọng thuế thì “cái nào trùm mền, cái nào đắp chiếu”.
“Báo cáo để Quốc hội xem xét, chứ chúng ta cứ treo mãi, những khoản nợ mà cứ treo, dù 10 năm nữa hay 20 năm nữa chúng ta cũng không bao giờ giải quyết được” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.