Tại buổi họp báo về tình hình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) năm 2017, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội, nhiều câu hỏi đặt ra trong quá trình thực hiện CPH Hãng phim truyện Việt Nam từ việc xác định giá trị thương hiệu 0 đồng và quản lý sử dụng đất đai.
Nhiều câu hỏi đặt ra cho Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) về việc CPH Hãng Phim truyện Việt Nam, nay là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam. Trong đó, Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) nắm giữ 65% cổ phần hãng phim.
Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm khi các nghệ sỹ của Hãng phim truyện Việt Nam đồng loạt “kêu” tình trạng chậm lương, trả lương thấp và không có định hướng làm phim.
Nhiều ý kiến cho rằng, chủ đầu tư chủ yếu nhắm đến khu “đất vàng” số 4 Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh minh họa: KT) |
“Theo quy trình, từ khi có phương án CPH lần đầu, đơn vị đã phổ biến cho người lao động để nói rõ. Khi xác định giá trị doanh nghiệp xong lại phổ biến tiếp cổ đông chiến lược là ai, thế mạnh là gì và để người lao động cùng ý kiến. Nếu phương án đưa ra không được cán bộ đồng thuận sẽ phải dừng lại để điều chỉnh. Ở đây do cả 2 phía, người lao động chưa mặn mà, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa hiểu tâm tư anh em, nóng vội triển khai hoặc thiếu sót”, ông Tiến nói.
Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) chưa từng có kinh nghiệm về làm phim. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ đầu tư chủ yếu nhắm đến khu “đất vàng” số 4 Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định, việc này đã có quy trình rõ ràng. Nếu muốn chuyển đổi mục đích, doanh nghiệp phải được UBND TP Hà Nội cho phép. Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu thanh tra toàn bộ quá trình CPH Hãng phim truyện Việt Nam, nên phải đợi thanh tra sau đó chủ đầu tư mới có đề xuất sử dụng diện tích “đất vàng” như thế nào.
Một số câu hỏi đặt ra về việc trong bản báo cáo tài chính năm 2016, mảnh đất số 4 Thụy Khuê được ký hợp đồng thuê từ năm 1996 và hết hạn vào năm 2002, từ đó đến nay khu đất này và hãng phim không có giấy tờ pháp lý ràng buộc nào. Hiện khu đất này cũng đang vướng vào tranh chấp với một cá nhân về hợp đồng thuê đất.
Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, CPH Hãng phim là một bài học kinh nghiệm về CPH đối với doanh nghiệp đặc biệt, có nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết rốt ráo, dẫn đến tranh chấp sau CPH.
“Trường hợp doanh nghiệp không có giấy tờ pháp lý về đất đai, chính quyền địa phương phải có thái độ về việc đó. Đây là lỗ hổng trong quản lý đất đai vì qua CPH mới phát hiện được những tồn tại như đất hết hạn, nợ nần... Ở đây có vấn đề trong quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, bộ chủ quản quản lý về tài sản. Tới đây, luật quản lý tài sản công sẽ quản lý chặt chẽ hơn đối với tài sản này, nhất là đối với CPH các doanh nghiệp lớn”, ông Tiến nêu rõ.
Hiện, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định về CPH DNNN, trong đó sẽ có quy định với một số ngành nghề kinh doanh, điều kiện chọn cổ đông chiến lược là phải cùng ngành nghề. Để trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp CPH trong thời gian ít nhất 3 năm./.
Cần làm rõ những khuất tất trong việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam