dl_2_pcbo.jpgMột chuyến dã ngoại của CLB Đình làng Việt. (ảnh: Nguyễn Việt Thắng)
 

Không chỉ là mạng ảo

Câu lạc bộ Đình làng Việt là cộng đồng trên mạng xã hội Facebook được lập ra để thu hút những người yêu di sản nói chung và đình làng nói riêng. “Mục tiêu ban đầu nhằm chia sẻ thông tin, những kiến thức về đình làng (kiến trúc, chạm khắc trang trí và những kiến thức về lịch sử văn hóa xung quanh ngôi đình làng của người Việt). Sau một thời gian hoạt động, Đình làng Việt đã nhanh chóng nhận được chia sẻ của cộng đồng mạng, nhiều hình ảnh đẹp, cùng với những thông tin về các ngôi đình cổ trong cả nước được các thành viên từ các địa phương chia sẻ, nhiều bài viết, cuốn sách quý về đình làng cũng được mọi người đưa lên. Vì vậy, số lượng người tham gia làm thành viên của Đình làng Việt tăng lên nhanh chóng”, anh Nguyễn Đức Bình – sáng lập viên chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình - người sáng lập CLB Đình làng Việt. (ảnh: Trà Xanh)

Anh Nguyễn Đức Bình là nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, hiện đang công tác tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL. Trong giới chuyên môn và giới báo chí truyền thông, anh vốn được biết đến là người nhiệt thành yêu di sản và có những hành động mạnh mẽ để bảo vệ di sản. Vì vậy, khi anh thành lập CLB Đình làng Việt, rất nhiều người đã ủng hộ và tham gia. Từ những thành viên ban đầu, đến nay Đình làng Việt đã có 3.309 thành viên. Số lượng người xin gia nhập ngày càng đông, tuy nhiên, Ban quản trị CLB luôn xem xét kỹ hồ sơ từng người trước khi chấp thuận cho tham gia.

Tổ chức điền dã để cảm nhận vẻ đẹp của di sản Việt

Để cộng đồng facebook Đình làng Việt không còn mang tính chất ảo, anh Nguyễn Đức Bình đã đề xuất thực hiện các chuyến đi điền dã đình làng. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên Đình làng Việt.

Đi đến các điểm di tích điền dã, các thành viên của nhóm đều được những người quản lý di tích trực tiếp hướng dẫn và giới thiệu, được nghe các nhà nghiên cứu bình giảng về giá trị của di sản. (ảnh: Trà Xanh)

 

Ngày 2/11/2014, Đình làng Việt đã tổ chức chuyến điền dã đầu tiên cho các thành viên. Mục tiêu của chuyến đi nhằm để các thành viên nắm bắt được những kiến thức sơ đẳng nhất về sự phát triển của đình làng như: sự ra đời của đình làng vùng châu thổ Bắc bộ, diễn biến kiến trúc, trang trí và cảnh quan, không gian văn hóa đình làng.

Các bạn trẻ tham gia CLB trong chuyến điền dã đều rất nhiệt tình chụp ảnh thu thập những hình ảnh đẹp trong tạo hình mỹ thuật của những phù điêu, linh thú...(ảnh: Trà Xanh)

“Chúng tôi đã chọn cụm đình ở Ba Vì làm điểm đến đầu tiên cho chuỗi điền dã, như tới đình Tây Đằng, các thành viên đã được dịp tận mắt hình dung ra ngôi đình có từ thế kỷ 16 với quy mô nhỏ, chạm khắc tran trí hết sức tinh tế và độc đáo; sau đó đoàn di chuyển sang đình Chu Quyến, Đông Viên, Cam Đà để thấy được sự biến chuyển và đỉnh cao của kiến trúc đình làng của người Việt…Sau chuyến điền dã lần thứ nhất, các thành viên rất hào hứng và mong muốn thực hiện những chuyến đi tiếp theo”, anh Nguyễn Đức Bình nói.

Giữa tháng 3 này, nhóm đã thực hiện được chuyến điền dã lần thứ 5 tại Phú Thọ. Nếu như chuyến điền dã đầu tiên thu hút 60 người thì đến chuyến thứ 5 đã có hơn 100 người đăng ký tham gia.

Thành viên của Đình làng Việt khá phong phú từ chuyên gia Mỹ thuật, họa sỹ, điêu khắc, kiến trúc sư... (ảnh: Trà Xanh)

Thành viên tham gia Đình làng Việt gồm các thành phần khác nhau như họa sỹ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, người làm công tác quản lý di sản, Hán nôm, du lịch, nhà văn, nhà báo, công nghệ thông tin, bác sỹ, nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, … Chính vì nhiều thành phần như vậy mà sự chia sẻ thông tin trong nhóm cũng hết sức nhanh chóng và phong phú. Nhiều ngôi đình đẹp, có giá trị lịch sử đã được các thành viên trong nhóm phát hiện và nhanh chóng chia sẻ. Những vấn đề về đoán định phong cách, niên đại, giải nghĩa chữ Hán.. cũng được mọi người cùng nhau bàn luận… từ đó càng làm tăng thêm tình yêu với di sản của cộng đồng.

Các chuyến điền dã cũng là dịp các thành viên được tiếp cận trực tiếp với di sản, được bàn luận, tìm hiểu về giá trị kiến trúc, văn hóa… và những vấn đề ngoài ngôi đình làng. Từ đó các thành viên được bổ trợ kiến thức về di sản.

Các thành viên được giao lưu thưởng thức các điệu hát xoan của nhân dân làng Xốm, trong chuyến điền dã đình Hùng Lô, Phú Thọ. (ảnh: Hiếu Trần)

 (Ảnh: Hiếu Trần)
Các thành viên còn được thưởng thức đặc sản của địa phương. (ảnh: Trà Xanh)

Từ thiện giúp đỡ bà con, động viên bà con gìn giữ di sản

Nhóm Đình làng Việt đã tới thực hiện từ thiện bà con nghèo sống quanh đình Vường (xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang), đây là ngôi đình cổ có giá trị kiến trúc và điêu khắc, nhưng được bà con bảo tồn khá tốt, chỉ có điều là bà con sống quanh đình rất nghèo.

"Theo kinh nghiệm đánh giá của chúng tôi, ở đâu đời sống nhân dân còn nghèo thì ở đó di tích được bảo tồn khá tốt, chính như vậy chúng tôi đã nảy ra ý tưởng cần tiếp cận bà con nhằm động viên bà con, từ đó tuyên truyền về bảo vệ di sản của địa phương, tránh tình trạng xây mới, chuyển đổi chức năng đình, làm biến dạng di tích… Công việc này đã được các thành viên trong nhóm ủng hộ và chúng tôi đang gây dựng quỹ từ thiện nhằm giúp bà con nghèo tại các địa phương, cũng như gây quỹ giúp bà con tu tạo di tích", anh Nguyễn Đức Bình chia sẻ.

CLB Đình làng Việt kêu gọi xã hội hóa giúp dân làng có kinh phí di dời linh vật ngoại lai khỏi đi tích được xếp hạng. (ảnh: Hà Phương)

Nhóm Đình làng Việt đang hướng tới hoạt động giúp nhân dân các địa phương có đình làng xuống cấp cùng họ xã hội hóa công tác tu bổ đình làng. Dự kiến trong năm 2015, Đình làng Việt sẽ tổ chức triển lãm ảnh của các thành viên về giá trị đình làng bên cạnh đó là những hình ảnh về sự xuống cấp của các di tích. Qua triển lãm này chúng tôi sẽ kêu gọi sự ủng hộ, công đức của các tập thể, cá nhân đối với công tác tôn tạo di tích ở các địa phương. Các thành viên trong nhóm có trình độ chuyên mộ về kiến trúc, mỹ thuật, di sản cũng sẵn sàng giúp các địa phương trong công tác thiết kế, giám sát tu bổ di tích.

CLB Đình làng Việt nơi lan tỏa tình yêu và tôn vinh giá trị văn hóa Việt. (ảnh: Nguyễn Đức Bình)

“Giầu thì ở Làng mà sang thì ở Nước”. Còn giữ được làng cổ, còn bảo tồn được các di sản văn hóa như đã nêu ở trên thì chúng ta không sợ bị đồng hóa, bị mất nước", anh Đinh Hồng Cường thành viên nhóm chia sẻ.

Chuyên môn là ngành ngoại giao, nhưng anh Đinh Hồng Cường rất say mê học hỏi nghiên cứu về văn hóa, mỹ thuật cổ. Anh bật mí dự định mà mình đang ấp ủ đó là học hỏi để sau này góp phần phục dựng lại ngôi đình cổ ở xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang quê em. "Nhờ TS Nguyễn Xuân Diện tra cứu bên Viện Hán Nôm, thầy trò đã tìm lại được bản Thần Phả, văn bia bản thác, cuốn hương ước, hương tục làng xã Phúc Tằng…thì ra làng tôi cũng là 1 làng cổ. Xưa kia cũng có đình, chùa, miếu, đền Thần, văn chỉ, cửa Nghè, điếm, cổng làng, cổng trại, cầu ao… Tôi đang đi học để những mong góp phần trả lại những nét đẹp xưa cho làng xã. Rồi một ngày không xa, tôi mong sẽ mời tất cả các bác về quê hương của tôi, chỉ cách Hà Nội có 50km thôi)".

Anh Đinh Hồng Cường (phía bên phải) luôn chăm chú ghi chép khi các chuyên gia lí giải về đình, chùa.

Thế mạnh của nhóm Đình làng Việt là hội tụ nhiều người tâm huyết, tuổi đời còn trẻ, năng nổ có trình độ chuyên môn tốt vì vậy các thành viên Đình làng Việt đang có ý tưởng xuất bản sách về đình làng của Việt Nam, cuốn sách chính là sản phẩm của những cuộc bàn luận, cuộc điền dã tại di tích.

Những điều CLB Đình làng Việt đang làm cho thấy, không chỉ là mạng ảo, những con người tâm huyết với văn hóa truyền thống Việt Nam dù gặp nhau ở đâu ngoài đời hay trên mạng đều có một điểm chung là yêu di sản Việt với những giá trị tốt đẹp của văn hóa cha ông và sẵn sàng cùng nhau nỗ lực để lan tỏa giá trị Việt./.