Giáo sư, họa sĩ Phạm Công Thành |
GS Phạm Công Thành: Trong các loài thú bốn chân thì loài vật đẹp nhất vẫn là con ngựa, cả về dáng, thế, hình. Nó còn có những phẩm chất cao đẹp khác nữa. Con ngựa đã được đưa vào trong mỹ thuật từ lâu lắm rồi.
Lâu đời nhất, phải kể đến những hình khắc ở trên vách đá nguyên thủy. Trong mỹ thuật cổ đại, ngựa xuất hiện trong các tác phẩm của Assyrie - nay là vùng Irac. Ở trong những phù điêu, những viên gạch đổ khuôn vẫn tìm thấy bóng dáng con ngựa. Nhưng đẹp nhất là những con ngựa đền Sargon. Ở đây có những hình phù điêu ngựa đẹp tới mức ngày nay không gì so sánh được.
PV: Trong mỹ thuật và điêu khắc Phương Tây, phải chăng hình ảnh con ngựa luôn gắn liền với những chiến binh?
GS Phạm Công Thành:Ngựa phải có người cưỡi chứ không sẽ thành ngựa hoang. Người cưỡi muốn thể hiện sự hùng dũng, khí thế của một con ngựa chiến thì phải là một chiến binh. Ngay Leonardo da Vinci cũng đã bỏ ra 10 năm để nghiên cứu ngựa. Tranh của Vinci khiến người xem tưởng tượng được ngay những con ngựa xông vào nhau, tiếng hét vang trời, những tiếng gươm đao loảng xoảng, cảm thấy cả mùi mồ hôi ngựa, trông hùng dũng phi thường.
Về điêu khắc, ta biết tượng ở Leningrad cũng rất đẹp. Làm tượng ở dáng phi như thế thì rất khó, gân cơ, cơ bắp chuyển động mạnh, không chỉ chồm lên bằng sức mạnh mà còn có cả khí thế của ngựa. Lại còn người cưỡi phải như thế nào thì rất khó.
Về hội họa, cũng có bức tranh ngựa nổi tiếng về một cuộc thi ngựa ở thế kỷ 19. Những con ngựa đang lao lên, người cưỡi đang dùng sự kiềm chế, thúc đẩy con ngựa phải phi vượt lên trên con khác, trông rất sinh động. Thời ấy, người châu Âu rất mê vẽ ngựa. Tuy nhiên, tranh ngựa thật đẹp cũng hiếm.
Tượng điêu khắc ngựa tại Saint Petersburg (Nga) |
GS Phạm Công Thành:Người phương Tây nhìn hướng ngoại, còn ở phương Đông nhìn hướng nội. Người phương Đông mà đặc biệt là người Trung Quốc đã thể hiện con ngựa theo lối hình tượng, không giống thật, có chỗ thì cường điệu quá lên.
Chúng ta xem ngựa của Từ Bi Hồng thấy con ngựa phi rất mạnh mẽ, bờm dựng lộng theo gió,, bụi không vẽ cuồn cuộn mà như là những cơn lốc. Bức "Bách mã đồ" của Lý Long Miên đời Tống vẽ 100 con ngựa mà người xem có thể đoán tính của từng con một.
Hàn Cán đời nhà Đường là người lột tả được tướng ngựa. Ngựa do Hàn Cán vẽ ra đạt được mọi thứ tướng quý của loài ngựa. Đến nỗi, những nhà xem tướng ngựa phải thốt lên rằng, được một con ngựa này thì có nghìn vàng bỏ ra cũng không tiếc.
Ngựa của Từ Bi Hồng |
GS Phạm Công Thành:Trong thơ ca cũng có nói đến ngựa nhưng ở Việt Nam, ngựa không phải là động vật phổ biến lắm. Ngày xưa, chỉ có bậc quan chức mới có ngựa. Ngựa chiến của Việt Nam được biết là giống ngựa nhỏ. Trong nhiều trận chiến đấu, Tướng ta vẫn thắng Tướng giặc trên những lưng ngựa như vậy. Ngựa có ở khắp mọi nơi nhưng chỉ là những họa tiết trang trí chứ không phải là trung tâm.
Ở Việt Nam cũng có những người vẽ ngựa. Bậc cao niên là Nguyễn Tư Nghiêm vẽ ngựa Gióng, nói đến khí thế quật cường của người Việt, biểu trưng ở sức mạnh của Thánh Gióng.
Hiện, tôi có tới 2 quyển sách về hai tác giả vẽ ngựa là Đỗ Đức và Lê Trí Dũng. Đỗ Đức là ngựa trên núi còn Lê Trí Dũng là mượn cớ đó, hình tượng đó để tạo nên nguồn hứng. Nhờ có ngựa mà nguồn hứng ấy trở nên tràn trề và cũng nhờ có ngựa mà ngòi bút trở nên có khí lực.
PV: Xin cảm ơn ông./.