Nghệ thuật của văn hoá tâm linh
Hát văn hay còn được gọi là hát chầu văn, là một sinh hoạt văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt cổ. Hát Chầu văn là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng tín ngưỡng Tứ phủ, một tín ngưỡng dân gian có xuất xứ từ đồng bằng Bắc Bộ.
Hát chầu văn lên đồng |
Xưa kia, người dân Việt Nam theo tín ngưỡng Tứ phủ (thờ: trời, đất, núi, sông), và hát chầu thường được gắn với tín ngưỡng hầu đồng, mọi người tin rằng nghi thức lên đồng giúp họ có thể giao tiếp với thần linh thông qua những đồng cô hay đồng cậu. Hầu đồng không phải ai muốn làm cũng được, bởi theo quan niệm thờ Tứ phủ chỉ những người có cơ duyên đặc biệt mới được thần linh nhập hồn vào xác để ban phúc lộc cho người đời, có thể trừ tà, chữa bệnh... Vì vậy, từ sâu thẳm trong tâm thức nhiều người dân Việt Nam luôn hướng tới nguồn cội của văn hóa tâm linh, của đạo thờ Mẫu, thờ các chư vị thánh thần.
Hát Chầu văn có 13 lối hát. Đó là: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm và Dồn. Hát Chầu văn và hầu bóng thường được tổ chức trong một không gian văn hóa của đình, đền, phủ chúa Liễu hay điện thánh thần, tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng huyền bí.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Đức Thịnh - người chuyên nghiên cứu về nghệ thuật hát chầu văn, để dựng lại được nghệ thuật hát Chầu văn cần phải có môi trường để nuôi dưỡng:“Hát Văn rất đa dạng, nhịp điệu rất phong phú, làm cho người nghe cảm thấy không bị đơn điệu. Hiện nay, còn lại rất hiếm những nghệ nhân có thể hát tốt chầu văn. Muốn bảo vệ, lưu truyền di sản phi vật thể này cần có môi trường. Có những hình thức hát văn gắn với đời sống hàng ngày mà không gắn với tín ngưỡng, chúng ta nên tăng cường những hình thức như vậy. Với hát văn trong các nghi lễ, chúng ta cũng nên tạo không gian để những nghệ nhân có kinh nghiệm có dịp truyền nghề cho thế hệ trẻ…”
Tạo sự quan tâm trong giới trẻ
Hiện nay, việc bảo tồn và phát triển hát chầu văn đang gặp nhiều khó khăn, vì đa phần giới trẻ tỏ ra khá thờ ơ với những môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Bà Nguyễn Thị Thanh, một người say mê nghệ thuật hát Chầu văn cho rằng: “Để bảo lưu giá trị của nghệ thuật hát Chầu văn, cần đi sâu vào phong trào quần chúng. Do đặc thù hát chầu văn không dễ cảm nhận, tiếp thu nên hiện đa số mới chỉ có những người cao tuổi quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Bởi vậy, cần kiên trì tuyên truyền mở rộng để thêm nhiều người biết hát văn…”
Hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong nghi lễ lên đồng, mà còn được coi như hình thức ca nhạc dân gian vui tươi, lành mạnh. Âm nhạc chầu văn mang tính chất sôi nổi, náo động, cộng thêm tiếng trống phách, thanh la rộn ràng khiến cho buổi hầu đồng luôn tưng bừng, rộn rã. Do vậy, có thể xem hình thức diễn xướng dân gian này là một nghệ thuật tổng hợp, tinh tế và không thua kém gì những thể loại nghệ thuật bác học hiện đại.
Ông Phạm Văn Giao, một người yêu thích môn nghệ thuật hát văn cho biết: “Trên thế giới hiếm có đất nước nào có nghệ thuật hát chầu văn và hầu thánh như Việt Nam. Chúng ta là những người kế thừa, phải gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này. Phải làm sáng tỏ giá trị môn nghệ thuật này thì bản thân thế hệ trẻ mới cảm thấy phấn khởi, hãnh diện, và thấy được tiềm năng nền văn hoá của nước mình”.
Đến nay, sau hơn 300 năm có lẻ, loại hình nghệ thuật hát chầu văn đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng vẫn giữ được hồn Việt thuần nhất, mộc mạc, song cũng rất đa dạng, phong phú. Thực tế chứng minh là có thể tách chầu văn ra khỏi các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, gìn giữ và phát triển chầu văn trong cách nghe - nhìn mới mà vẫn bảo lưu được những làn điệu cổ, những phong cảnh diễn xướng cổ. Muốn làm được như vậy cần có sự hiểu biết sâu và tôn trọng những nguyên tắc của hát chầu văn. Và nếu làm được như vậy thì giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật độc đáo này sẽ luôn được kế thừa và phát triển trong đời sống cộng đồng!./.