Ngoài hai nội dung chính là triển lãm thư pháp và hoạt động viết thư pháp, Hội chữ Xuân Đinh Dậu năm 2017 còn có nhiều hoạt động giới thiệu giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo diễn ra chiều 16/1 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Ban liên lạc các Câu lạc bộ thư pháp Hà Nội tổ chức.

11_zevov_qp_ptwv.jpg

“Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017” có sự tham gian của gần 100 người có khả năng viết thư pháp Hán – Nôm, chữ Quốc ngữ là thành viên Câu lạc bộ thư pháp tại Hà Nội và một số cá nhân viết thư pháp tự do đã được thẩm định trình độ. Đa phần các ông đồ tham gia Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 đều đã qua sát hạch từ các năm trước nên đảm bảo về chất lượng viết thư pháp. Ban tổ chức Hội chữ Xuân năm nay sẽ bố trí khoảng 50 lều phục vụ cho hoạt động viết thư pháp và dành một số vị trí cho người viết chữ trên 70 tuổi, đã tham gia giảng dạy, triển lãm thư pháp và có nhiều đóng góp cho hoạt động Thư pháp Hà Nội từ năm 2000 đến nay, được các các CLB Thư pháp Hà Nội suy tôn như: cụ Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu…

Để chấm dứt tình trạng một số ông đồ khác tự phát mang chõng tre ra viết thư pháp tại vỉa hè phố Văn Miếu trong Hội chữ Xuân năm 2016, Ban tổ chức Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự quanh khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đồng thời sẽ xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. 

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: "Thay vì bố trí các lều cho những người viết chữ vòng quanh hồ, loãng và không tập trung thì năm nay chúng tôi sắp xếp các lều của người viết chữ tại mặt tiền của khu vực hồ Văn. Tất cả các lều đó được Ban tổ chức chuẩn bị thống nhất làm bằng các chất liệu tự nhiên là tre, nứa lá. Thứ hai là chủ đề của chúng tôi đưa ra năm nay là “Tôn sư trọng đạo”, giá trị hết sức quan trọng của văn hóa dân tộc mà nó gắn liền với hoạt động giáo dục hiện nay".

Trong khuôn khổ Hội chữ Xuân Đinh Dậu, có triển lãm thư pháp chủ đề “Tôn sư trọng đạo”, với gần 30 bức thư pháp Hán – Nôm và chữ Quốc ngữ, truyền tải nội dung cổ vũ tinh thần hiếu học, trách nhiệm kế thừa và lòng biết ơn đối với các thế hệ nhà giáo Việt Nam, một nét đẹp truyền thống của dân tộc; Tái hiện không gian một ngôi nhà cổ ở làng quê Bắc Bộ; tổ chức khu vực làng nghề truyền thống trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội như: gốm sứ, thêu dệt, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng; Khu vực giới thiệu tranh dân gian và thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh “Cùng bé sáng tạo – khám phá tranh Tết”...

Hội chữ Xuân Đinh Dậu sẽ diễn ra từ ngày 21/1 đến 11/2 (tức 24/12 đến 15/1 Âm lịch), từ 8 giờ 30 đến 20 giờ hàng ngày. Riêng, ngày 30 Tết âm lịch, Hội chữ diễn ra đến 2 giờ sáng hôm sau; các ngày mùng 1 và mùng 2 Tết âm lịch diễn ra đến 22 giờ để phục vụ nhu cầu xin chữ đầu Xuân của người dân thủ đô và du khách./.