Nguyễn Tô Tâm An (19 tuổi) là sinh viên năm nhất Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao (Học viện Ngoại giao). Năm 2015, khi đang ngồi trên ghế trường THPT chuyên ngữ (Đại học Ngoại ngữ Quốc gia), em đỗ đầu kỳ sát hạch "ông đồ" để chọn người đủ trình độ vào cho chữ trong hồ Văn (khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội). Tham gia cuộc thi ấy là hầu hết cụ râu tóc bạc trắng.

1234_uvry.jpg
Nguyễn Tô Tâm An (19 tuổi) - "ông đồ" trẻ nhất Việt Nam, từng đỗ đầu kỳ sát hạch thư pháp mùa 2015. Ảnh: Quỳnh Trang.
Mùa "phố ông đồ" năm nay, chàng trạng nguyên chẳng cần thi thêm đã nghiễm nhiên được vào mài mực, cho chữ. Hôm khai mạc Hội chữ Xuân 2016 (ngày 2/2), An còn được các bậc ông, chú trong làng thư pháp tín nhiệm giao trình diễn viết hoành phi trước hàng trăm quan khách Việt Nam, quốc tế.

"Tuy còn trẻ nhưng Tâm An có học vấn, căn cốt về thư pháp còn tốt hơn nhiều cụ râu tóc bạc phơ. Em thông minh và là nhân tố tốt để kế thừa sự nghiệp của cha ông", thư pháp gia Lê Quốc Việt - người có chữ được treo trong Văn Miếu Quốc Tử Giám chia sẻ lý do chọn "ông đồ" trẻ nhất Việt Nam viết hoành phi.

Nguyễn Tô Tâm An cho biết đến với nghệ thuật thư pháp từ ngày còn rất bé. Bố An mỗi lần lên chùa học viết với cây bút lông thường dẫn con trai đi cùng. Dần dà theo thời gian, thư pháp đã ngấm vào cậu bé 8-9 tuổi Tâm An và từ một thói quen trở thành niềm đam mê.

"Thư pháp giúp em học hỏi được nhiều điều, tu dưỡng bản thân và giải trí những khi căng thẳng", nam sinh Đại học Ngoại giao nói. Em tâm sự, nhiều người nghĩ thư pháp đơn thuần là viết chữ nhưng thực chất là môn đòi hỏi sự học tập rất lớn. Ngoài tập viết, người cầm bút phải nắm được ý nghĩa của những thứ liên quan như: bố cục, giấy, mực, trang trí... Hơn 10 năm gắn bó với thư pháp, An vẫn cảm thấy chưa đủ cho sự tìm tòi, rèn luyện. Các thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, em vẫn tham gia những lớp học ở chùa để được chỉ dẫn thêm.

Trong lễ khai mạc Hội chữ Xuân 2016, Tâm An được các bậc cha, chú tín nhiệm giao trọng trách trình diễn thư pháp trên bức hoành phi, trước hàng trăm quan khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Quỳnh Trang.
 Trong khi nhiều ông đồ than gặp khó khăn khi phải rất kiên trì tập viết từng con chữ, có người nản mà buông xuôi, Tâm An lại cho rằng, sự bền bỉ là yêu cầu tất yếu khi học bất cứ môn nào, không riêng gì thư pháp. Em ví dụ học đàn piano phải mất nhiều thời gian, công sức mới có thể chơi được; để học giỏi Toán cũng phải cần cù. Cá nhân An do đó không thấy khó khăn khi ngồi nhiều giờ luyện một con chữ. Rắc rối lớn nhất với em khi theo đuổi môn nghệ thuật này là việc sắp xếp thời gian bởi bài vở trên lớp, các hoạt động ngoại khóa cũng rất nhiều. 

Chàng trai 19 tuổi có sở thích nhảy, nghe nhạc, ca hát, đặc biệt là nhạc rock cho biết việc theo đuổi thư pháp không khiến em già đi như suy nghĩ của nhiều người. Với An, thư pháp là nghệ thuật và đã là nghệ thuật thì có khả năng thu hút mọi lứa tuổi, giai tầng. Chỉ vì ít được biết đến chứ nếu đã tìm hiểu môn nghệ thuật này chắc chắn nhiều bạn trẻ sẽ thích thú hoặc cảm thấy sự đồng cảm.

Để giới thiệu nét văn hóa truyền thống đến rộng rãi mọi người hơn, nhiều năm qua "ông đồ" trẻ Tâm An thường tặng quà là bức thư pháp cho bạn bè, thầy cô. Việc ngồi viết chữ nơi hồ Văn vừa là dịp để em trau dồi thêm kiến thức chuyên môn từ cha anh, vừa thỏa mãn đam mê đôi khi bị gác lại suốt cả năm, đồng thời cũng là cách kế tục, giữ gìn nét đẹp của đời xưa.

Định hướng công việc tương lai sẽ theo ngành chính trị nhưng nam sinh Học viện Ngoại giao cho biết, thư pháp vẫn là "người bạn" thân thiết đồng hành lâu dài với em./.