Khi nói đến vấn đề bảo tồn phố cổ Hà Nội, chúng ta không chỉ xem trọng những yếu tố hữu hình, vật chất mà còn phải bắt đầu từ những giá trị tinh thần của lối sống, phong cách sống và đặc trưng văn hóa của người dân chốn Kẻ Chợ 36 phố phường. Trong sự biến chuyển của gương mặt đô thị, sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường thời hiện đại, đã đến lúc phải nghĩ về Hà Nội theo một cách khác. Đó không phải là Hà Nội to hơn, cao hơn với lớp lớp nhà cao tầng mà quan trọng là một Hà Nội có nề nếp, trật tự, có chiều sâu văn hóa, đặc biệt là trong lối sống và cách hành xử của mỗi người. Giữ phố cổ từ chiều sâu văn hóa có lẽ là điều cần được quan tâm hơn lúc này.
Ngày Chủ nhật, gia đình chị Hoàng Thị Minh Phương chọn tour du lịch quanh phố cổ và điểm dừng chân là ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Tại đây, mọi người đang chuẩn bị cho chương trình tái dựng không gian sống của một gia đình trung lưu tại Hà Nội đầu thế kỉ 20. Gia đình chị Hoàng Thị Minh Phương bước vào căn nhà gỗ với nhiều đồ dùng mang hình bóng xưa cũ, không gian thoáng đãng, đầy ánh sáng, khác hẳn cảnh đông đúc ở các khu đô thị hiện đại.
“Được nhìn lại những đồ vật mà hồi nhỏ tôi đã được dùng cùng bố mẹ, cảm giác ấy thật hiếm có. Tôi nghĩ rằng bảo tồn phố cổ phải bắt đầu từ cuộc sống cụ thể của người xưa. Đây là không gian sống trung lưu, nhưng mọi người cũng muốn bước vào không gian sống của những người dân bình thường hơn, hoặc khá giả hơn để hình dung lại cuộc sống ngày xưa”, chị Phương bày tỏ.
Cách làm này giúp người xem hiểu được một phần đời sống của người Hà Nội 70, 80 năm hay 100 năm về trước. Những thói quen sống phố, ở phố, ăn phố, nói phố …và văn hóa phố của người Hà Nội xưa đến với người xem một cách cụ thể, chân thực hơn. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính người tham gia tư vấn chương trình này cho rằng: nỗ lực đem đến cho người xem hình ảnh chân thực nhất tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây có thể còn ở dạng sơ khai, chưa đầy đủ và cần bổ sung dần để không gian sống này tồn tại với tất cả những thành phần của cuộc sống đã từng có. Nhưng dẫu sao, đây cũng là sự cố gắng để tạo nên khối tri thức văn hóa, làm cho di sản đô thị Hà Nội trở nên phong phú hơn.
“Người ta đến với Hà Nội không chỉ đến với một con phố mà muốn thâm nhập vào cuộc sống đã từng diễn ra cách đây một trăm năm, mà hiện nay vẫn còn những dấu ấn nào đó, cả dấu ấn cứng, dấu ấn mềm để chúng ta nhận ra, kế thừa. Chính điều đó cũng góp phần tạo nên cái riêng, cái khác, cái hấp dẫn và cái thực sự cần cho việc phát triển thành phố Hà Nội trong sự kế thừa, gắn liền với nguồn cội. Bóng ngày xưa phải được thể hiện ở đây, ở dạng sống động, đủ sức thuyết phục, đủ sự tin cậy và rất xa quan niệm đây là một trưng bày”, giáo sư Hoàng Đạo Kính cho biết.
Phố cổ Hà Nội mang đặc trưng về mặt không gian, kiến trúc với mô hình phố thị (buôn bán, làng nghề) trong cấu trúc kinh thành Thăng Long xưa, đang chứng kiến quá trình chuyển đổi sang một đô thị hiện đại. Do vậy, bảo tồn cấu trúc phố cổ là việc phải làm, bên cạnh chấp nhận cải tạo và hiện đại hóa. Một trong những hướng bảo tồn chính là khai thác và làm sống lại những giá trị phi vật chất như lối sống, văn hóa, tập tục. Nghĩa là, bảo tồn di sản phố cổ như một tài sản vật chất, đồng thời như là một phương thức sống, lối sống thị thành của Hà Nội xưa.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm-Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: “Trong cấu trúc của khu phố cổ, giá trị của nó còn ở chỗ các cấu trúc của một xã hội dân cư Việt Nam truyền thống. Mỗi nghề có một nhà thờ họ riêng, có một tổ nghề riêng. Dân cư sống quây quần xung quanh ông tổ nghề hoặc là nhà thờ họ của mình. Đấy là đặc trưng của cộng đồng dân cư thời xưa thì đến bây giờ trong phố cổ vẫn còn”.
Do vậy, theo KTS Hoàng Đạo Kính thì bảo tồn phố cổ Hà Nội là giữ gìn, điều tiết sự biến đổi trong một tư tưởng chủ đạo là duy trì không gian đô thị, kiến trúc đô thị, sau đó là giữ lại và sinh động hóa những thiết chế văn hóa, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa ở phố cổ. Không chỉ duy trì không gian đô thị truyền thống, những dấu tích kiến trúc nghệ thuật, công trình tôn giáo tín ngưỡng mà chúng ta còn cố gắng khôi phục ở dạng bảo tồn khôi phục theo chiều sâu những không gian sống –phần mềm của giá trị di sản. Đó sẽ là việc làm cho di sản phố cổ Hà Nội trở nên đặc sắc cho việc kế thừa, tạo dựng hình ảnh mang tính cạnh tranh của Hà Nội tương lai, đồng thời thu hút sự quan tâm chú ý để cho người nước ngoài đến với phố cổ Hà Nội như một kiến trúc di sản độc hiếm.
Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian trong nỗ lực bảo tàng hóa, di tích hóa phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, đã đến lúc nhận ra rằng điều đó khó khả thi với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế hàng hóa và nhu cầu sống của số đông dân cư phố cổ. Do vậy, chúng ta chỉ có thể bảo tồn phố cổ Hà Nội trong sự điều tiết chủ động các giá trị sống, không gian sống, những yếu tố văn hóa phi vật chất song song với việc chấp nhận cải tạo và phát triển./.