Chiều tối ngày 30/6, tại Nhà hát Khán giả trẻ ở thành phố cổ hơn 1.000 năm tuổi Yaroslavl của Liên bang Nga đã diễn ra đêm nghệ thuật kết thúc “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga”.
Với tiết mục mở màn, múa hát “Hương sắc Việt Nam” mang đậm chất dân gian, các nghệ sỹ, ca sỹ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nhận được sự tán thưởng nhiệt tình của khán giả thành phố cổ Yaroslavl. Suốt buổi biểu diễn, những bản nhạc, những bài ca, điệu múa và cả võ thuật “Vovinam” liên tục nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt của cả những người bạn Nga và nhiều người Việt xa xứ đã lâu chưa có dịp thưởng thức những món ăn tinh thần từ quê nhà.
Sau hai đêm trình diễn ở thủ đô Moscow và thành phố St. Peterburg, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã bổ sung thêm một số bản nhạc Nga vào các tiết mục hòa tấu và hiệu ứng khá rõ khi khán giả Nga vô cùng thán phục vì những nhạc cụ dân tộc thuần Việt như: Đàn Bầu, Tam Thập lục cùng nhiều nhạc cụ dân tộc khác như Sáo, Nhị, Nguyệt... trình tấu các bản “Chiều Moscow”, “Tình ca du mục”, “Kachiusa”, “Kalinka”...
Nghệ sỹ ưu tú Xuân Bình với cây đàn Bầu đã phải biểu diễn thêm bài thứ 3, là một ca khúc Nga chuyển soạn thành nhạc không lời đã chinh phục các khán giả vỗ tay rất lâu sau khi kết thúc 2 bản nhạc của Việt Nam và của Nga. Những bản hòa tấu các nhạc cụ dân tộc của Việt Nam kết hợp với nhạc cụ hiện đại đã nhận được những tràng pháo tay chúc mừng thành công đêm diễn...
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cũng các quan chức thành phố Yaroslavl cảm ơn các nghệ sỹ
Phượng cho biết: “Em cảm giác rất vui, vinh dự khi đại diện cho dân tộc Việt Nam đi biểu diễn. Em thấy khán giả Nga rất nhiệt tình, thích thú trước những tiết mục của Việt Nam mình, trong đó có “Vovinam”".
Nghệ sỹ ưu tú Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật này nói : “Trong nghệ thuật cũng có một ngôn ngữ chung để mọi người trên thế giới có thể hiểu nhau được. Đặc biệt anh có thể nói được cái hồn dân tộc thông qua nhạc cụ dân tộc bằng bất cứ nhạc cụ độc đáo nào của anh mà kết hợp với nhạc cụ phương Tây nói được hồn Việt mà ta muốn nói. Chính vì vậy, lần này chúng tôi đẩy nhạc cụ dân tộc lên trong một hình thức phối khí, hòa thanh được xây dựng theo một lối chơi mới. Qua các buổi biểu diễn tại ba thành phố của Nga, chúng tôi cảm nhận được sự đón nhận nhiệt liệt từ bạn bè Nga. Đó là phần thưởng lớn mà chúng tôi càng thấy cần phải làm tốt hơn nữa, có những bước đi phù hợp hơn trong thời đại mới”.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam
Chị Natalia - một khán giả Nga nhận xét: “Chúng tôi rất vui là đoàn nghệ thuật Việt Nam đến thành phố của chúng tôi và càng tuyệt vời hơn khi sự kiện"Ngày văn hóa Việt Nam tại Nga" được tổ chức. Đối với chúng tôi đây là một ngày lễ lớn. Theo ý kiến cá nhân tôi, điều này rất bổ ích vì giúp cho chúng tôi hiểu hơn về văn hóa Việt Nam”.
Vốn có tình cảm yêu mến Việt Nam, chị Veera đã đưa cả đứa con gái nhỏ đi xem. Chị nói: “Tôi rất thích các món ăn Việt Nam. Còn âm nhạc thì đây là lần đầu tiên tôi thưởng thức. Tôi rất thích các tiết mục hát, hòa tấu nhạc cụ và múa. Các khán giả trong khán phòng cũng bày tỏ rất ngạc nhiên và thích thú về những nét đẹp của các cô gái Việt Nam”.
Khép lại “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại LB Nga”, nhiều người Việt Nam từng sống ở thành phố Yaroslavl hàng chục năm qua cũng như những người dân Nga, lần đầu tiên được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật tuyệt vời như vậy… lại mong mỏi một dịp không xa và thường xuyên hơn nữa được đón chào các đoàn nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt Nam tới biểu diễn. Bởi chỉ có như thế họ mới hiểu nhiều hơn những cái hay, cái đẹp trong văn hóa Việt Nam./.