Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những gia đình nhiều thế hệ đang làm nghệ thuật góp phần bảo tồn những di sản và phục vụ nhân dân.

Tết đến, hầu hết tất cả các thành viên gia đình nghệ sĩ, nghệ nhân như vậy đều tỏa đi khắp nơi, hăng hái và đam mê thực hiện những chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân, mừng quê hương đổi mới để lời ca, tiếng nhạc thắp thêm niềm vui náo nức trong lòng người du xuân.

Nghe nội dung phóng sự tại đây 

Chúng tôi làm khách của gia đình nghệ nhân – nghệ sĩ Vũ Linh Tâm ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long vào một ngày cận tết. Đây đã là bữa cơm tất niên, hoàn thành nhiệm vụ năm cũ Giáp Ngọ để bước vào công việc tất bật đem âm nhạc, lời ca tiếng hát, làn điệu cung thương phương Nam của cả gia đình làm nghệ thuật này góp sức phục nhân dân.

Nghệ nhân – nghệ sĩ Vũ Linh Tâm, một trong những kép chính và truyền nhân của gánh hát bội (hay còn gọi là ca ra bộ) Đồng Thinh nổi tiếng ở đất Vĩnh Long xưa.

nghe_nhan_jgvj.jpgCháu nội nghệ nhân Vũ Linh Tâm ca bài Dạ cổ hoài lang
Gánh hát có lịch sử tồn tại gần 100 năm cùng với tục cổ cúng lễ kỳ yên ở hàng trăm ngôi đình làng Nam bộ. Đến nay, hát đình vẫn còn được lưu giữ ở nhiều địa phương dù đoàn hát, nghệ nhân đã dần xa nghề và mai một dần.

Năm 2007, anh Vũ Linh Tâm cùng 2 thành viên khác đại diện gánh hát bội Đồng Thinh dựng trích vở “Tiết Giao đoạt ngọc” đến giới thiệu tại nước Mỹ trong chương trình “Mekong – dòng sông kết nối các nền văn hóa”. Hầu hết các thành viên của gánh hát xưa khi cởi bộ cánh vua, chúa, công nương, thần nữ là lao vào cuộc mưu sinh vất vả, nhưng lạ thay ai cũng đam mê, chỉ cần một lời mời, một dịp tụ họp là anh em, già trẻ đều hăng hái vào vai diễn để phục vụ lễ hội dân gian trong cộng đồng.

Riêng nghệ nhân Vũ Linh Tâm giữ vai trong các tuồng hát bội khi cần. Ngoài ra, nghệ nhân cũng tham gia đoàn hát cải lương Bông Hồng Vàng một thời ở Vĩnh Long và cũng là thành viên Ban Đờn ca tài tử huyện Long Hồ…

Các tác phẩm của anh được Đài Truyền hình Vĩnh Long giới thiệu, được huyện Long Hồ đưa vào chương trình phục vụ nhân dân. Hiện nay, nghệ sĩ Vũ Linh Tâm là phân hội trưởng phân Hội Sân khấu tỉnh Vĩnh Long và gương mặt đạt nhiều giải thưởng về sáng tác và biểu diễn sân khấu cải lương, Đờn ca tài… 

Mới đây nhất, năm 2014, nghệ sĩ Vũ Linh Tâm đoạt giải nhất sáng tác kịch bản sân khấu của Hội VHNT tỉnh Vĩnh Long và được tỉnh đề nghị công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú cấp nhà nước vào đợt đầu sắp tới. Một trong những sáng tác của anh Vũ Linh Tâm phục vụ quê hương Long Phước mùa xuân này là bài ca cổ mà anh và các đồng nghiệp trẻ thể hiện rất tâm đắc. Đó là bài “Ước hẹn ngày xuân”, ca ngợi tình yêu lứa đôi đồng thời nhắc lại xuân trong kháng chiến…

Bài ca kể về quê hương Long Phước, quê hương bác Phạm Hùng vào xuân mới 2015 trong tâm thế của xã vừa đến đích, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và chính thức được công nhận vào ngày 31/12/2014.

Long Phước hôm nay khang trang, cuộc sống người dân khởi sắc, làng nghề, cơ sở gốm sứ truyền thống, nhà máy, công xưởng hoạt động nhịp nhàng, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân tươi vui đón têt Ất Mùi.

Và tâm thế ấy được nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả Vũ Linh Tâm đưa vào sáng tác để anh cùng bạn tri âm hát lên lời tâm tình, nhắc nhở thế hệ trẻ rằng: sắc xuân hôm nay được xây đắp bằng bao công sức, máu xương nhiều thế hệ đi trước.

Long Phước càng tự hào mùa xuân này, người người, nhà nhà càng phải trân trọng, yêu quí và vun đắp cho quê hương ngày càng tươi đẹp.

Trao đổi với soạn giả, tài tử Lê Minh Hùng – Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Long Hồ, chúng tôi được biết nhiều hoạt động văn nghệ sôi nổi đang diễn ra trước, trong và sau tết. Soạn giả Lê Minh Hùng cho biết: “Những năm gần đây, phong trào văn hóa văn nghệ ở Long Hồ có những nét nổi bật, những nghệ sĩ, nghệ nhân họ có dịp góp mặt rất đông, vui. Hiện, ở Trung tâm Văn hóa huyện đang diễn ra Hội thi ca nhạc, ca cổ tiếng hát mừng Đảng, mừng Xuân”.

Bữa tiệc tất niên với gia đình nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử Vũ Linh Tâm ở xã nông thôn mới huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có lễ cúng cám tạ ơn ông bà, tổ nghiệp đã tạo dựng và truyền cho con cháu giá trị văn hóa lâu đời.

Sau lễ cúng là màn giao lưu với phần thể hiện của bạn bè, của 3 đứa con đều là hạt nhân văn nghệ và các cháu nội chỉ 4 đến 10 tuổi đã mê đờn ca tài tử. Lời ca, tiếng hát hào sảng, tươi vui cứ ngân nga, đầy mộc mạc và quyến rũ trên xã nông thôn mới Long Phước – quê hương cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng./.