Hàng ngày, chúng ta sử dụng rất nhiều sản phẩm làm từ nhựa bởi những tiện ích mà nó mang lại như “nhẹ”, “tiện”, “rẻ”, song qua quá trình sử dụng thiếu ý thức đã gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực đối với môi trường sống. Những năm gần đây, Việt Nam đang là một trong những đất nước nằm top đầu của thế giới về việc xả rác thải nhựa ra môi trường.
Theo tính toán của những tổ chức uy tín về môi trường thế giới, hiện nay mỗi năm 94 triệu dân Việt Nam xả ra môi trường hàng trăm ngàn tấn chất thải nhựa. Năm 2018, nước ta đứng thứ 4 toàn cầu về chất thải nhựa đổ trực tiếp ra biển, với 1,8 triệu tấn.
Mỗi ngày, Hà Nội thải ra đến hơn 6.400 tấn rác sinh hoạt chứa nhiều rác thải nhựa và con số đó vẫn không ngừng gia tăng. |
Khi bị thải ra môi trường tự nhiên, một chiếc chai nhựa phải mất từ 100 đến 1.000 năm mới phân hủy được. Hơn thế nữa, loại rác này thực chất không thực sự phân hủy mà nó chỉ phân rã thành các hạt cực nhỏ và cuối cùng xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta. Hay nói cách khác, một chai nhựa hoặc một túi nylon vứt ra hôm nay sẽ quay trở lại bàn ăn của chính chúng ta. Không chỉ vậy, nó còn làm ô nhiễm đất, nước – môi trường sinh sống của nhiều loài động vật. Nhựa tràn lan khắp nơi, hiện diện trong sự sống mọi loại sinh vật, kể cả con người. Trong khi đó việc đầu tư hệ thống xử lý, tổ chức thu gom và xử lý rác thải ở nước ta lại không theo kịp tình hình thực tế.
Mỗi ngày, Hà Nội thải ra đến hơn 6.400 tấn rác sinh hoạt chứa nhiều rác thải nhựa và con số đó vẫn không ngừng gia tăng qua mỗi năm gây nên những ảnh hưởng tai hại đến môi trường và sức khỏe người dân. Có những thời điểm, ngay giữa thủ đô Hà Nội, người dân phải sống trong cảnh rác thải bủa vây.
Triển lãm nghệ thuật thị giác "Hành tinh nhựa". |
Từ sự quan sát thực tế, rất nhiều nghệ sĩ đã cùng lên tiếng kêu gọi con người bảo vệ môi trường sống đang ngập tràn rác thải. Vượt qua giá trị nghệ thuật đơn thuần, những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, tương tác, đã mang đến một cái nhìn ấn tượng khiến người xem phải bàng hoàng về tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động hiện nay. Và chính những tác phẩm nghệ thuật đó đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ, khuyến khích cộng đồng hạn chế tối đa rác thải nhựa, sử dụng đồ nhựa có ý thức hơn, và trân trọng môi trường sống hơn.
Ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng
Mới đây, hai triển lãm nghệ thuật “Hành tinh nhựa” và “Xả rác ít thôi” đã thu hút sự quan tâm và tạo được hiệu ứng cộng đồng mạnh mẽ. Những tác phẩm nghệ thuật được xây dựng tỉ mỉ và công phu từ hàng vạn vật liệu nhựa đã qua sử dụng, được thu gom từ khắp mọi nơi, mở ra những góc nhìn không giới hạn về cuộc sống. Các tác phẩm nghệ thuật có quy mô lớn, đầy màu sắc mang đến những hiệu ứng thị giác mới lạ.
Triển lãm "Xả rác ít thôi" mở ra những góc nhìn không giới hạn về phương thức sản xuất và tiêu dùng của mỗi người thông qua nghệ thuật sắp đặt, kích thích giác quan và đầy tính sáng tạo. |
Với cấu trúc tựa như một làn sóng, người xem bước vào không gian triển lãm “Xả rác ít thôi” được bao phủ với 500kg rác thải treo lơ lửng đem đến cảm giác ngột ngạt đến khó thở khi phải sống chung với chất thải nhựa ngập tràn. Ngay từ lối vào, tác phẩm "Con sóng rác" gây ấn tượng mạnh về mức độ xả rác đáng báo động hiện nay. Những thông tin về lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng theo cấp số nhân đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống được minh họa sống động.
Nếu “Xả rác ít thôi” dẫn dắt người xem trải qua vô vàn cảm xúc về thực tế trần trụi, đau đớn và rùng mình khi chất thải nhựa đang hiện hữu nơi nơi thì “Hành tinh nhựa”lại mở ra một thế giới giả tưởng mà ở đó mọi sinh vật, mọi sự vật và mọi hiện tượng thiên nhiên đều được tạo thành từ những “phân tử” nhựa.
Bên cạnh yếu tố nghệ thuật, những tác phẩm còn ẩn chứa những vấn đề môi trường cấp thiết với nguy cơ tiềm ẩn. |
Bám sát chủ đề bảo vệ môi trường trước những hệ luỵ của việc xả rác thải nhựa bừa bãi, “Hành tinh nhựa” giới thiệu tới công chúng 4 tác phẩm sắp đặt, điêu khắc từ nhựa đã qua sử dụng như ống hút, ni lông, chai nước, đồ gia dụng…được ráp nối khéo léo thành những tác phẩm kích cỡ lớn. Nổi bật giữa không gian triển lãm là tác phẩm "Lốc xoáy" được ráp nối từ hàng trăm loại rác thải nhựa khác nhau có chiều cao tới 4,5m với từng nếp gấp của những loại túi nilon cũng tạo ra những đường vân hấp dẫn về thị giác.
Bước tiếp sâu vào “Hành tinh nhựa”, khán giả được nghe - nhìn – chạm tác phẩm nghệ thuật “Hộp bí mật”. Người xem có thể lắng nghe tiếng nước chảy qua đại dương trong chai nhựa, cảm nhận những chiếc găng tay nhựa đang ngăn cản chúng ta chạm đến với thiên nhiên, hay quan sát hệ sinh thái đang dần bị phá huỷ trong lồng kính.
Hệ sinh thái trong lồng kính. |
Thông qua cấu trúc khu vực trải nghiệm đa dạng, tác động tới nhiều giác quan, những sáng tạo độc đáo từ nhựa đem đến nhiều liên tưởng, kết nối, chiêm nghiệm về mối quan hệ giữa con người với thế giới thực tại. “Đâu là vùng an toàn của mỗi người”, “Thế nào là rác”, “Liệu nhựa là thế giới của chúng ta hay chính chúng ta đang là thế giới của nhựa?”.
Giá trị cộng đồng lớn lao
Mọi sự thay đổi lớn đều bắt nguồn từ những việc nhỏ nhặt. Chỉ cần mỗi cá nhân xây dựng ý thức, thay đổi tư duy về môi trường, cũng sẽ góp phần tạo nên sự đổi thay lớn lao hơn, tác động nhất định đến môi trường sống sau này.
Những giá trị nghệ thuật mang đậm dấu ấn của nghệ sĩ nhưng vẫn thể hiện tinh thần cộng đồng luôn có giá trị và ý nghĩa rất lớn. Rõ ràng, sáng tạo nghệ thuật với những chất liệu từ chất thải nhựa đã tạo nên hiệu ứng tích cực, mạnh mẽ thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những người trẻ đã cùng chung tay tạo nên sự khác biệt để bảo vệ môi trường sống.
Là một thành viên của nhóm sáng tạo triển lãm "Xả rác ít thôi”, Việt Hoàn, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ: “Những ngày đầu chúng tôi làm chưa có đủ rác. Chúng tôi vừa đi xin, vừa tự gom từ các bãi rác trên đường. Chúng tôi phải vừa thu gom rác thải, vừa tiến hành phân loại và xử lý. Có lẽ chỉ khi nào cúi xuống nhặt rác bạn mới thấy vứt rác thật dễ, nhưng dọn thì khó gấp nhiều nhiều lần”.
Bền bỉ thu gom hàng trăm kg rác thải, nhóm đã góp phần biến những đồ vật phế thải, đã hết giá trị sử dụng, tăng nguy cơ gây hại cho môi trường tiếp tục được đóng góp, trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ngoài ra, nhóm cũng giới thiệu những mẹo vặt và lựa chọn thay thế thiết thực cho một cuộc sống lành mạnh hơn. Túi nylon hoàn toàn có thể được thay thế bằng túi vải, ống hút nhựa dường như là không còn cần thiết nữa, các loại cốc dùng một lần sẽ được hạn chế bằng cốc thuỷ tinh.
Marilan Nguyen - Giám đốc dự án "Cải thiện môi trường đô thị Hà Nội", đại diện BTC triển lãm "Xả rác ít thôi". |
Bên cạnh đó, triển lãm “Xả rác ít thôi” còn được thiết kế theo mô hình lưu động để thông điệp được truyền tải đến đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ ở các trường đại học. Khi được hỏi cách xử lý những rác thải này sau triển lãm, Giám đốc dự án "Cải thiện môi trường đô thị Hà Nội", bà Marilan Nguyen cho biết: "Sau khi kết thúc trưng bày, chúng tôi sẽ tiến hành phân loại. Rác thải nhựa, nylon, chúng tôi sẽ chuyển đến những cơ sở tái chế, tái sử dụng. Rác thải điện tử như Pin, ắc quy sẽ được chuyền đến một trong năm trung tâm hiện giờ đang có ở Việt Nam chính thức có khả năng tiếp nhận để xử lý. Chúng tôi sẽ không để những vật phẩm trưng bày này trở lại thành rác thải vốn có".
Còn Tòhe - đơn vị thực hiện triển lãm “Hành tinh nhựa” hy vọng có thể tạo ra tái chế chất thải nhựa một cách khoa học, có ích và truyền cảm hứng cho mọi người chiêm nghiệm về thế giới mà chúng ta đang sống.
Với tư duy tích cực, rộng mở và đầy cảm hứng, những người nghệ sĩ cùng thế hệ trẻ đã và đang rất nỗ lực vươn cao tiếng nói tạo nên một lối sống xanh – sạch – đẹp./.