Tuy vậy, khi đọc được bài viết này tôi lại thấy có cái gì đó nhói ở tim, cảm thấy ức chế lắm. Mà cái sự ức chế này nó đã có từ khi tôi biết phụ nữ lấy chuyện "mắt mở, mắt nhắm" làm kim chỉ nam để sống, thậm chí coi đó là cách giữ hạnh phúc gia đình.

Có phải hai tiếng hạnh phúc là chỉ cần gia đình còn đủ chồng đủ vợ trên "danh nghĩa"? Có phải hạnh phúc là chồng sống theo kiểu của chồng, vợ sống theo kiểu của vợ miễn sao nhà còn đủ cha đủ mẹ cho con?

1368425380_2_7824_1410368786_wyxg.jpg
Ảnh minh họa

Có bao giờ những người cha người mẹ ấy hỏi con mình rằng "con có hạnh phúc không?" khi mà cha mẹ vẫn là một gia đình nhưng thực chất gần như chẳng liên quan gì đến nhau trong đời sống hàng ngày.

Tôi không phản đối cách chọn lựa hạnh phúc của các chị, cách mà theo tôi nghĩ cũng là một cách sống cam chịu. Nhìn từ bên ngoài tuy có vẻ văn minh hơn so với thế hệ các bà mẹ mình ngày xưa nhưng chung quy bên trong cũng là cam chịu, nhẫn nhịn, loay hoay tìm cách này hay cách khác để cố giữ cái "tổ lạnh" thay vì là "tổ ấm" như các bà mà thôi.

Điều mà tôi muốn nói là tại sao người vợ cứ mãi đa đoan để dành lấy sự yên ổn cho gia đình, trong khi người chồng thì cứ mặc nhiên hưởng thụ cuộc sống bay nhảy bên ngoài như thanh niên còn độc thân, thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm...

Đàn ông quá ích kỷ, họ chỉ nghĩ đến bản thân họ. Có vẻ như họ lấy vợ chỉ để duy trì nòi giống, rồi bỏ mặc gia đình cho người vợ gánh chịu một mình.

Hoặc giả như họ cưới nhau vì tình yêu thì đàn ông cũng mau chóng chán vợ mà đi tìm niềm vui cho riêng mình, bằng chứng là cảnh ngoại tình đầy trong xã hội của chúng ta, mà người đời cứ thản nhiên như "chuyện thường ngày".

Có người còn thấy ngưỡng mộ sự "tự lập" của các chị vợ sống cảnh có chồng mà như không. Phải chăng là ngưỡng mộ mấy chị ấy giỏi cam chịu, có sức khỏe dẻo dai tự lo được cho mình và cho con cái và dư mạnh mẽ khi đêm về thui thủi ngủ vùi trong chăn lạnh...

Đàn ông xem tình nghĩa vợ chồng mỏng dánh như cánh chuồn chuồn, khi vui nó đậu khi buồn nó bay. Để rồi một ngày nào đó mỏi gối chồn chân, bệnh tật, già yếu thì họ mới nhớ đến gia đình.

Lại tìm về với người vợ "danh chính ngôn thuận", với những đứa con mà họ chẳng bao giờ đoái hoài hay chẳng góp phần nuôi dạy, để mong được vợ con cưu mang.

Tôi không "vơ đủa cả nắm" mà chỉ phản ảnh những người chồng bỏ mặc vợ con như những người dưng, và đau thay cho hoàn cảnh những người vợ có chồng mà như không. Có cần không một mái gia đình không toàn vẹn đó, có hạnh phúc không khi hai mảnh đời ghép lại không vừa?.

Rồi còn con cái, nuôi chúng lớn lên không chỉ có ăn và học mà còn phải bồi dưỡng cho chúng một tâm hồn sáng đẹp với những nụ cười tươi thắm nữa. Nếu vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc thì không thể tạo cho con hạnh phúc được.

Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ góp phần hình thành một xã hội văn minh và lành mạnh./.