“Tôi được sinh ra một cách ngẫu nhiên từ mối nhân duyên không thành của cha mẹ” - người đàn ông tên Lâm mở đầu bức thư của mình bằng lời giới thiệu đó. Năm 1967, cha Lâm làm thuỷ thủ trên một con tàu thường ra vào cảng Gianh. Mỗi khi chờ xuống hàng, cha Lâm vẫn cùng đám bạn thuỷ thủ tranh thủ về Đồng Hới chơi.

Trong một lần như vậy, cha mẹ Lâm gặp nhau. Mẹ Lâm khi đó còn là cô học trò đầy mơ mộng, trọ học ở Đồng Hới. Những câu chuyện đường xa của chàng thuỷ thủ nhanh chóng khiến cô gái trẻ mê đắm và họ yêu nhau, rồi hẹn thề… Thời gian như nước chảy chân cầu, trong khi chàng thuỷ thủ mải lênh đênh cùng sóng nước thì cô học trò nhỏ lặng lẽ hoài thai một sinh linh bé bỏng.

Lâm ra đời trong nỗi khắc khoải của mẹ khi con tàu của cha đã lâu không về cảng. Thời chiến tranh, cảng Gianh lại nằm ở vị trí nhạy cảm nên người mẹ trẻ không thể nào dò hỏi được tin tức. Sinh con xong, mẹ Lâm chỉ biết mỏi mắt trông chờ con thuyền quay lại bến. Vậy mà càng mong ngóng, càng bặt tin. Bà đau khổ, tủi nhục và nhớ nhung vô hạn nhưng không thể tìm ra nguyên nhân vì sao người yêu không quay lại.

Ông ngoại lo lắng cho số phận long đong của con gái nên khi Lâm được ba tuổi đã gả con gái cho một người đàn ông khác. Lâm lớn lên trong sự cưu mang đùm bọc của ông bà ngoại và các cậu, các dì. Đến năm 1972, mẹ Lâm mới nhận được lá thư của tình đầu.

khong-the-buon-hon.jpg
Không thể buồn hơn - Ảnh minh họa

Thư viết: “Em ơi, anh và mọi người trên thuyền bị kỉ luật vì để đắm tàu, phải đi cải tạo tại Nghệ An. Án 4 năm được giảm thành 3 năm rưỡi, chỉ còn ít thời gian nữa là được về. Em cố đợi anh, anh không bỏ mẹ con em đâu. Người mang thư đây là phụ lái của anh, anh ấy được ra sớm...”. Nhận được thư nhưng ván đã đóng thuyền, mẹ Lâm chỉ biết khóc thầm rồi cất đi, mãi gần đây mới đưa cho Lâm như một kỷ vật về người cha.

Trở lại thời điểm năm 1972, nửa năm sau khi nhờ bạn đưa thư về Quảng Bình, một buổi chiều người cha của Lâm trở về. Ông ôm con và khóc khi biết tin người phụ nữ của mình đã về bến khác.

Ông bà ngoại của Lâm chỉ biết ngậm ngùi: Con đi đâu 3 - 4 năm rồi mà không có tin tức gì cả, bố mẹ tưởng con đã lừa nó nên đã gả nó đi. Bố mẹ thương con cũng đành chịu, nay nó đã sinh con đẻ cái cho họ rồi!

Ở với con một đêm, sáng hôm sau cha Lâm lại ra đi chỉ để lại lời nhắn ông bà ngoại rằng, khi nào cuộc sống ổn định sẽ quay lại đón Lâm. Nhưng, cũng giống như mẹ mình trước kia, Lâm mỏi mắt ngóng trông mà người cha không hề trở lại...

Đến năm 1982 khi Lâm tròn 15 tuổi, anh đã quyết tâm đi tìm bố. May sao có người hàng xóm đã từng làm công nhân bốc vác ở cảng chỉ dẫn nên Lâm cũng tìm được đường đến nhà ông bà nội. Bà nội gặp anh cứ ôm chặt mà khóc, bà nói bà ăn ở có phúc nên được nhìn thấy đứa cháu nội của mình.

Tôi cảm thấy đây là một câu chuyện không thể buồn hơn về thân phận con người. Nỗi buồn trong câu chuyện này không quá dữ dội, không có những cao trào, mà trải dài qua nhiều thế hệ với những sắc thái khác nhau của nỗi buồn.
Bà còn bảo, sao cháu lại giống ba cháu đến thế, giống như hai giọt nước. Các cô các chú lúc ấy cũng rất mừng rỡ. Rồi nội kể: Từ ngày đi cải tạo về thấy ba cháu khác hẳn, ít nói năng, cũng không chịu lấy vợ. Thời gian sau đó ba cháu đi làm sơn tràng, ở rừng, đau ốm bệnh tật luôn rồi không qua khỏi. Lúc hấp hối, ba cháu bảo: Con có đứa con trai ngoài Quảng Trạch, xã Quảng Sơn, mẹ nó là Tuyển, ở xóm Bắc Sơn…  Lâm nghẹn ngào theo bà ra mộ thắp hương cho bố.

Từ đó, Lâm yên tâm là mình đã có một cội nguồn, có một quê cha để ngưỡng vọng. Rồi anh bôn ba làm ăn, lấy vợ sinh con, ngày giỗ cha thắp lên bàn thờ nén hương tưởng nhớ. Điều kiện kinh tế khó khăn nên mãi đến năm 30 tuổi, Lâm mới có dịp về thăm lại quê cha.

Nhưng, lần về thăm đó lại là một kỷ niệm buồn. Bà nội mất rồi, các bác, các chú tỏ ra lạnh nhạt. Họ nói thẳng rằng chắc gì anh đã là cháu của họ, đừng nghĩ đến việc về đây làm gì nữa. Tủi hờn, Lâm ra mộ bố, khóc. Từ đó đến nay đã 10 năm, Lâm không về đó dẫu trong lòng vẫn luôn nghĩ đến hai chữ “quê cha”. Anh khát khao được người thân chấp nhận thân phận của mình, anh thèm cái cảm giác của một con người có cội nguồn.

Cuối lá thư gửi đến chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi, Đài TNVN, người đàn ông tên Lâm tâm sự rằng, trong những giờ phút chiến đấu với bệnh tật, anh thèm khát được nghe một lời an ủi, một chút vuốt ve từ bàn tay của một người nội tộc để có thể cảm nhận được từ đó sợi dây liên hệ với cha mình. Có điều, anh biết nỗi khát khao đó đã trở nên vô vọng.

Một câu chuyện buồn mà những nhân vật chính không ai đáng trách cả. Vì vậy, chẳng thể nào đổ lỗi cho ai ngoài sự ngẫu nhiên của số phận. Rất nhiều thính giả của chương trình cũng đồng cảm với tôi về điều đó khi thể hiện qua những lời chia sẻ dành cho nhân vật. Có điều, khi nghe những lời chia sẻ của mọi người dành cho Lâm, tôi lại thấy câu chuyện buồn hơn.

Để giúp người đàn ông đó nguôi ngoai nỗi buồn về thân phận, nhiều thính giả đã phân tích thái độ đáng trách của các chú, bác Lâm, những người có thể vì lợi ích, sợ phải có thêm một người thừa kế mà quay lưng lại với đứa cháu côi cút của mình.

Nghe những phân tích đó, tôi biết rằng đó là sự thật dẫu không hề muốn tin. Nếu trong cuộc sống của chúng ta chẳng có điều gì quan trọng hơn lợi ích thì quả là đáng buồn, thậm chí điều đó còn đáng buồn hơn cả thân phận của nhân vật trong câu chuyện này. Hy vọng, sự thật đáng buồn ấy sẽ có tác động tích cực đến tình cảm của Lâm. Có thể, Lâm sẽ không còn khát thèm tình cảm của chú, bác bên nội và bớt đi nỗi đắng cay vì bị bỏ rơi./.