Người yêu của mẹ chị buồn rầu ra về. Mẹ chị cũng bỏ ăn mấy ngày, ít nói cười hẳn. Sau này chị mới hiểu cuộc tình của mẹ bị con cái cấm đoán đã trở thành cú sốc khiến mẹ chị không thể vượt qua.
“Nhà còn thờ bố, bác đừng đến!”
Chị Đặng Mai (ở Nghi Tàm, Hà Nội) bố mất đã 9 năm, bà mẹ đã 79 tuổi bỗng có…người yêu. Các em chị chưa ai dám phản đối và vội “cấp báo” chuyện mẹ có người yêu tới chị cả là chị.
Người yêu của mẹ 80 tuổi, vợ ông mất cũng đã lâu. Cả mẹ và người yêu tuổi trẻ đã ở vậy nuôi con trưởng thành, dựng vợ gả chồng xong… thì gặp nhau. Ngày nào người yêu mẹ cũng gọi điện cho bà ba bốn lần. Mẹ chị lãng tai, mỗi lần người yêu gọi điện đến giọng bà “mềm” hẳn, cũng nũng nịu “anh anh - em em” làm các cháu bụm miệng cười.
Ảnh minh họa. |
Có lần ông đi thăm con ở xa mấy tuần, khi về đã đến thăm bà ngay. Nhà vắng, ông tưởng không có ai nên đã nhấc bổng bà lên xem sau mấy tuần xa nhau bà có tăng cân nào không! Ông về quê cũng hái lên giỏ hoa bưởi tặng bà. Còn bà đi du lịch đã không quên mua chiếc mũ nan tặng ông che nắng…
Các em gọi chị Mai về giải quyết chuyện “tế nhị”. Mẹ chị cũng gọi điện, kể với chị về người yêu và nói rõ chị là con gái lớn sống tình cảm, hiếu đễ và có chút tâm linh… nên khi nào về thì báo để mẹ đưa người yêu tới nhà giới thiệu.
Rồi ngày ấy cũng đến. Chị Mai về thăm mẹ buổi sáng, buổi chiều người yêu của mẹ tới. Lòng chị lúc đó rất bối rối và chị đã nói: “Bác với mẹ cháu thế nào ở đâu thì tùy. Nhưng trong nhà này còn thờ bố cháu ở đây. Bác không nên đến đây sẽ tốt hơn”.
Người yêu của mẹ chị Mai buồn rầu ra về. Mẹ chị cũng bỏ ăn mấy ngày. Chị cũng thấy lòng trĩu nặng. Từ đó người yêu của mẹ chị không lui tới nữa. Mẹ chị cũng ít nói cười hẳn. Một hôm mẹ gọi điện bảo chị: “Mẹ với bác quyết định khi nào ai “đi” trước, thì người kia sẽ đến khâm liệm và bế đặt vào quan tài”.
Câu chuyện của mẹ chị Mai lại làm cả nhà sôi lên sùng sục lần nữa, ai cũng bảo rằng: “Con cái đầy nhà. Mẹ có bề gì cũng không tới lượt ông ấy tới đây mà bế mẹ vào quan tài!”.
Lần này thì mẹ chị Mai rơi vào trầm cảm nặng nề. Sau này chị mới hiểu cuộc tình bị con cái cấm đoán đã trở thành cú sốc khiến mẹ chị không thể vượt qua… Từ một bà già hóm hỉnh vui vẻ, mẹ ít nói, rồi mắc bệnh suy thận, huyết áp thấp, trầm cảm và sau vài lần đi viện, mẹ giao tiếp khó khăn, thính giác không thể hồi phục, hay tủi thân khóc… và trở nên cô độc giữa người thân, dần dà trở thành gánh nặng cho cả nhà.
Khi bà đã ốm nặng, người yêu bà đến thăm ở bệnh viện, bà yếu ớt giơ tay ra và ông đã nắm lấy tay bà nói: “Bà hãy nắm lấy tay tôi, khi nào cần bà chỉ cần gọi là tôi tới”. Khi mẹ chị ra đi miệng vẫn luôn gọi tên người yêu tuổi thất thập. Tới tận bây giờ chị vẫn ân hận vì đã ngăn cản mẹ đến với tình yêu cuối đời.
“Yêu lần nữa đi mẹ”
Trong khi ở Việt Nam, đa phần con cái phản đối cha mẹ già có người yêu, thì Alex Lyngaas (người Nauy) đã làm video “Tìm Adam” với tinh thần “69 tuổi thì đã sao? Yêu lần nữa đi mẹ!”. Anh đã theo mẹ tập yoga, đạp xe, uống bia, khiêu vũ… để ghi hình bà mẹ 69 tuổi, năng động, trẻ trung, lạc quan với thông điệp: “Mẹ tôi rất mạnh mẽ và luôn sống vì các con. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi phải giúp mẹ sống cho mình nhiều hơn, phải giúp mẹ lấp chỗ trống trong trái tim bà vì bà xứng đáng được yêu! Hãy làm bạn trai của mẹ tôi! Bà 69 tuổi, đã kết hôn 2 lần và rất tuyệt!”. Video nhanh chóng trở thành tiếng nói ấm áp tình yêu thương đích thực và lan truyền khắp thế giới thời gian qua.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trung Kiên (Trung tâm Tư vấn hôn nhân, gia đình), tuổi càng cao thì càng cần có người để tâm sự. Tình yêu sưởi ấm trái tim người già, ngoài chia sẻ niềm vui thành đạt của con cái thì họ cần lắm một tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ tinh thần.
Con cái nên biết, niềm vui bên con cháu không thể thay thế được niềm tâm sự, chia sẻ và nhu cầu kết bạn của cha mẹ già. Khi cha mẹ già còn khỏe, hãy tặng họ “liều thuốc trường xuân tình yêu”.
Cãi lời bố mẹ, con tôi bỏ theo người đàn ông có vợ
Ngày nay đã có những gia đình, chủ yếu ở thành phố có con cái cảm thông và chủ động đi tìm “một nửa mới” cho cha mẹ già. Nhưng vẫn có nhiều con cái vin vào danh dự dòng tộc, tài sản, sợ tai tiếng với làng xóm mà phá, nói nặng lời làm cha mẹ bị tổn thương mà đau khổ bỏ cuộc.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, con cái sẽ rất có lỗi và bất công khi cha mẹ cả đời tần tảo lo lắng nuôi con, đến cuối đời lại bị con cái lấy “quyền” ngăn cấm cha mẹ già có người yêu hoặc tái hôn. Họ quên mất rằng, “con chăm cha không bằng bà chăm ông” và biết rõ là không thể chăm sóc, chia sẻ được với cha mẹ chu đáo.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trung Kiên, các bậc cha mẹ già muốn đi thêm bước nữa thì nên có thỏa thuận rõ ràng để tránh xảy ra tranh chấp tài sản khi một trong hai người “ra đi”.
“Nỗi sợ lớn nhất của cha mẹ già là bị bỏ rơi, bị cô đơn. Con cái đừng cố dập tắt tình cảm của cha mẹ già, không nên coi thường, nặng lời phản đối khi cha mẹ già cô đơn có bạn hoặc tái hôn. Mà hãy cởi bỏ lòng ích kỷ để chấp nhận và tôn trọng tình yêu chân chính của cha mẹ già. Đừng quá nghi kỵ tình yêu của cha mẹ già cô đơn bởi họ đủ kinh nghiệm để phân biệt các kiểu “bạn”, lợi và hại của việc kết bạn… để tìm được bạn tình xứng đáng”, chuyên gia tư vấn tâm lý Trung Kiên./.