Cô đã sững người khi đồng nghiệp của chồng chìa ra cuốn Sổ bảo hiểm xã hội, rồi thanh minh: “Em gọi điện mãi chẳng thấy anh ấy đến lấy, hôm nay em tiện thể vào thăm bé nhà anh chị thì đưa luôn”.
Tiễn khách xong, cô giở sổ ra xem, thấy chốt số đóng từ cách đây năm tháng. Chồng về cô hỏi thì anh gãi đầu gãi tai, cô tra về số lương hàng tháng anh vẫn đưa, thì anh ấp úng nói đó là số anh phải vay của bạn, để cô khỏi nghi ngờ. Vậy nghĩa là, chẳng bàn với vợ một câu, anh tự ý bỏ việc, thay đổi toàn bộ cuộc sống của gia đình. Anh nói nghe oách lắm, anh cần phải sống cuộc sống của mình, sống cho mình và cháy hết với niềm đam mê, đó là làm ông chủ, tự đứng ra kinh doanh… cô nghe mà ong hết cả thủ.
Khi nhắc đến đứa con còn chưa đầy tuổi thì anh thản nhiên: “Có em rồi lo gì”. Cô không còn gì để nói, chấp nhận số mình vất vả, coi như một mình nuôi con. Những tưởng thế là xong, ai ngờ cô lại phải nuôi thêm một “đứa con” lớn xác nữa. Vì mất khoảng một năm “cháy” rực rỡ, rồi tất cả thành than, chồng cô quay trở về, với của nả là một đống nợ.Bao lần cô phải nhận từ người thân thiết câu hỏi: “Sao thằng H. không đi làm đi?”, cô ậm ừ: “Phải tìm được việc thì mới làm chứ?” đứa bạn “phổi bò” sốt ruột thay, liền “bổ” luôn: “Việc lương thiện nào chả là việc, không thì cũng phải kiếm tạm việc gì làm mà kiếm miếng đổ vào mồm chứ, cứ lang thang nay đây mai đó, ăn hại, ăn không của vợ mãi à?”.Cô nghe mà tủi thân, òa khóc luôn và trút bỏ bao nguồn cơn tâm sự. “Về cũng chả đỡ được cái gì. Con cái thì cứ mặc nó lê la, có quả tim vợ mua về nấu cháo cho con cũng lấy nấu mì ăn hết, xong rồi lại đi, chẳng hiểu đi đâu. Thi thoảng lại móc ví vợ lấy tiền tiêu, lúc đầu còn bảo sau cứ âm thầm lấy. Có lần chị gái thương hại nên cho ít tiền tiêu, vậy mà cũng vênh mặt lên với vợ, không biết xấu hổ là gì…”.Kêu khóc thở than vậy thôi nhưng cô lại gạt nước mắt dặn bạn: “Đừng nói với ai”, kẻo đến tai mẹ chồng, cô lại được nghe: “Sông có khúc… lúc nó mang cho bao nhiêu tiền về sao chẳng thấy kêu”. Cô chẳng dám đáp trả lại mẹ chồng, rằng số chồng từng đưa ngày xưa cũng rất khiêm tốn, chứ nào nhiều như mẹ nghĩ, mọi việc lớn bé đều do tấm vai gầy của cô tất tả lo toan. Nhưng thôi, để giữ hòa khí, cô đành lặng im.Cô dần chấp nhận đó là duyên số của mình, thầm an ủi, miễn anh ấy vẫn ở bên, vẫn yêu thương vợ con, không chơi bời trác táng… thì mình chịu thiệt một chút cũng không sao. Hôm ấy chị bạn thân có hỏi: “Một mình em ôm có đủ ấm cho cả gia đình không?”. Một câu thật vu vơ đã khiến cô chợt nhận ra, hình như mình đang ảo tưởng, quá tin vào tình yêu mà mình đang nhận được.Bởi, nếu thực lòng yêu thương, anh đã cố gắng chung sức xoay xở, cùng vun đắp và không để cô phải một mình bon chen giữa dòng đời này.