Những ngày gần đây, có thời điểm nước mặn hơn 2 phần nghìn tràn về thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cách cửa Tiểu hơn 60km. Toàn hệ thống cống đập ngăn mặn, trữ ngọt vùng ngọt hóa Gò Công, dự án Bảo Định đóng kín.

UBND tỉnh Tiền Giang đã triệu tập cuộc họp khẩn để bàn giải pháp đối phó khẩn cấp với nước mặn; trong đó tập trung bảo vệ  hơn 24.000 lúa, hàng nghìn ha vườn cây thanh long ở vùng ngọt hóa Gò Công (thuộc các huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo, Gò Công Đông và Thị xã Gò Công).

vov_thieu_nuoc_damb.jpg
Nhiều ruộng lúa ở các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang có nguy cơ thiếu nước ngọt.

UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm nòng cốt phối hợp với các ngành chính quyền các địa phương có kế hoạch cụ thể để ứng phó với nước mặn "tấn công". Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang khẩn trương tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi; đồng thời, có kế hoạch vận hành hệ thống cống đập ngăn mặn, lấy ngọt hợp lý phục vụ sản xuất, đời sống.

Trong năm, công ty đã chi gần 4 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa toàn bộ hệ thống cống đập nên hiện nay đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt.

Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết, ở thời điểm này bố trí cán bộ, nhân viên trực 24/24 tại các cống Xuân Hòa, cống Bảo Định đo đạc độ mặn để chủ động lấy nước ngọt.

Nước mặn 2 phần nghìn đã tấn công tới khu vực cầu Rạch Miễu, Tp. Mỹ Tho.

Hiện tại, ở các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang có gần 7.000 ha đất lúa chưa gieo sạ, chính quyền và ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cắt vụ hay chuyển sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày khác.  Hơn 3000 ha vườn thanh long vùng thiếu nước ngọt, vận động nhà vườn tạm ngưng xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ để bảo vệ an toàn khi khan hiếm nguồn nước ngọt. Các phương án đắp kênh trữ nước, bơm chuyển từ kênh trục chính lên kênh sườn để vào ruộng đồng và nạo vét, khai thông dòng chảy tại các kênh mương thủy lợi cũng đang được chính quyền và người dân vùng hạn mặn khẩn trương triển khai.

Hiện nay, tình hình nước mặn đang diễn biến phức tạp. Tiền Giang đang lo ngại nữa là hơn 10 ha vườn cây sầu riêng, chôm chôm, mít... ở các xã ven sông Tiền gồm: Tân Phong, Ngũ Hiệp, Tam Bình, Hội Xuân của huyện Cai Lậy. Khu vực này còn bị nước mặn từ sông Cổ Chiên, Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) “đạp” qua kết hợp với nước mặn từ sông Tiền dâng cao. Do đó, chính quyền và nhà vườn các địa phương đang củng cố hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt.

Ông Dương Văn Đây, chủ 1 ha vườn cây sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết, địa bàn xã đã được cấp trên xây dựng 7 cống đập và có kế hoạch ứng phó cụ thể nên hạn chế thiệt hại nếu có mặn dâng cao.

Để ứng phó với hạn mặn có thể kéo dài và gây ảnh hưởng trên diện rộng, các ngành chức năng và chính quyền địa phương có kế hoạch  sẽ làm việc với các địa phương của tỉnh Long An để phối hợp khép kín các công đập ở địa bàn giáp ranh giữa huyện Tân Phước, Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) với Tp. Tân An, huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh (tỉnh Long An). Chủ trương của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang là bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn cho sản xuất, kiểm soát được nước mặn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nước mặn gây ra./.