Liên quan đến vụ đường lát gỗ lim gây dư luận trái chiều ở thành phố Huế, Ban quản lý dự án KOICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc) vừa có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan để cung cấp một số thông tin về dự án.

Văn bản do ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án KOICA ký nêu, dự án “Xây dựng Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, thành phố Huế” là dự án thí điểm của dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm”, do KOICA tài trợ không hoàn lại.

go_lim_vov_xsdb.jpg
Con đường lát gỗ đang được thi công dọc sông Hương

Ông Bằng cho biết, tổng kinh phí thực hiện dự án là 52,9 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 51,2 tỷ đồng. Hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép; mặt trên sàn bê tông được lát mặt gỗ lim dày 5cm, liên kết với sàn bê tông cốt thép. Dự toán tổng chí phí gỗ lim lát sàn là 5,14 tỷ đồng (bao gồm phần gỗ lim thành phẩm đã được xử lý). Theo đó, số gỗ lim này được nhập khẩu hợp pháp từ Nam Phi.

Trước đó, trong hồ sơ về dự án được cung cấp cho báo chí, kinh phí thực hiện là gần 64 tỷ đồng; trong đó chi phí cho việc thi công  là hơn 42 tỷ đồng. Sau khi dư luận phản ứng, lần này Ban Quản lý dự án khẳng định kinh phí thực hiện cho dự án thí điểm này đã được điều chỉnh gần 53 tỷ đồng; trong đó việc chi phí cho gỗ lim lát sàn gỗ chỉ tốn 5,14 tỷ đồng.

Liên quan về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, quan trọng nhất là vấn đề phương án kỹ thuật tốt để có thể giải quyết vấn đề ở dòng sông Hương. Nhiều người băn khoăn về chuyện nên có kỹ thuật để xử lý cọc móng ở đoạn đường đi dạo ở dưới cầu Phú Xuân để đảm bảo không ảnh hưởng bởi dòng chảy của dòng sông./.