Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng từng tính chuyện lấn sông lấn biển từ hơn chục năm nay, và thực tế đã lấn sông Hàn, sông Cổ Cò… cũng như qua dự án Vầng Trăng Khuyết đã lấn biển Thanh Bình.
May mà dự án Công viên Đại Dương Sơn Trà lấn biển Thọ Quang chưa được phép triển khai do chưa đánh giá đầy đủ tác động tới môi trường, dẫn đến dự án nạo vét sông Cu Đê để lấy cát phục vụ lấp biển ở Thọ Quang cũng buộc phải dừng lại.

vov_hoi_thao_1_gfjj.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Ông Bùi Văn Tiếng nói thêm, có ý kiến cho rằng thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cũng lấn biển ở vịnh Thái Lan, tỉnh Quảng Ninh cũng lấn biển ở vịnh Hạ Long và rộng hơn là vịnh Bắc Bộ.

Ông Tiếng phân tích, so với vịnh Thái Lan có tổng diện tích mặt nước vào khoảng 320.000 km² và với vịnh Bắc Bộ có tổng diện tích mặt nước vào khoảng 126.250 km² thì vịnh Đà Nẵng quá nhỏ bé, chung quanh lại có nhiều núi đá bao bọc, dẫn đến chế độ thủy văn khác hoàn toàn.

Có người còn nghĩ đến mô hình lấn biển của Dubai, nhưng cũng nên nhớ Dubai lấn biển ở vịnh Ba Tư với tổng diện tích mặt nước vào khoảng 251.000 km². 

Theo ông Bùi Văn Tiếng, cần hết sức thận trọng khi quy hoạch đô thị biển trên vịnh Đà Nẵng. 

"Vịnh Đà Nẵng là “đầu ra” của sông Cu Đê và nhất là của sông Hàn. Vịnh Đà Nẵng bị thu hẹp chắc chắn ảnh hưởng đến dòng chảy của hai sông này. Đó là chưa kể phương án hút cát tại chỗ để bồi lấp đảo nhân tạo chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sạt lở bờ biển", ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, Singapore lấn biển chủ yếu bằng cát của nước ngoài, trong đó có cát của Phú Quốc và trở thành quốc gia nhập khẩu cát lớn nhất thế giới. Đó là chỉ mới kể đến những tác hại về môi trường, chưa kể đến nguy cơ về quốc phòng - an ninh cũng không quá khó để nhận ra…

 Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ lý giải, vấn đề về vịnh Đà Nẵng không phải là ý tưởng của tổ tư vấn.

Tuy nhiên theo ông Trần Du Lịch, nếu động đến thiên nhiên phải đánh giá tác động môi trường: "Chắc chắn từng quy hoạch này sẽ có từng dự án, từng chương trình cụ thể và gắn từng chương trình sẽ có những kiến nghị cụ thể từng giải pháp cho kiến nghị đó chứ không thể nói chung chung".

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương có chung suy nghĩ khi cho rằng, vịnh Đà Nẵng là tuyến lên xuống của sân bay Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng khi xây dựng nhà cao tầng. Vì vậy theo các chuyên gia, việc xây dựng đô thị biển của thành phố cần phải nghiên cứu lại.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cho biết, ông đã từng đề xuất trong vịnh Đà Nẵng nên có hòn đảo nhỏ và xây dựng thủy cung để dẫn khách ra biển tham quan, tạo điểm nhấn cho TP vào ban đêm.

“Nhưng làm đô thị biển như Dubai thì hoàn toàn không được vì liên quan đến dòng chảy, hạ tầng”, ông Chính nói.

Ông Chính cảnh báo về dòng hải lưu "rất khác" của vịnh Đà Nẵng, giống như một vòng cung, bởi một bên là núi Hải Vân, một bên là Sơn Trà./.