Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, rất nhiều hoạt động, lễ hội phải dừng lại để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Có những người ngày đêm vất vả phòng chống dịch bệnh đến mức mệt mỏi lại hứng chịu sự kỳ thị của cộng đồng. Dẫu vậy, họ vẫn thấy vui vì đến giờ phút này, công việc của họ đã mang tới những kết quả tốt.
Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Đà Nẵng là một trong những nơi phải “đương đầu” với dịch bệnh Covid-19 sớm nhất. Kể từ những ngày đầu bùng phát dịch ở Trung Quốc, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã phải làm việc vất vả tại những nơi được xem là “tuyến đầu” như: Nhà ga hành khách Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói chuyện với du khách tại Hội An. |
Trong điều kiện khó khăn về nhân sự, cán bộ Trung tâm phải “chia năm xẻ bảy” để đáp ứng các công việc được giao. Ông Phạm Trúc Lâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Đà Nẵng cho biết, ngay trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, do áp lực của các chuyến bay đến và đi nhiều, khách đông; trong khi dịch bệnh từ Trung Quốc thì bùng phát dữ dội, cán bộ, nhân viên Trung tâm gần như không ai nghĩ đến chuyện ăn Tết mà suốt ngày lăn lộn với việc kiểm soát dịch.
Càng về sau, áp lực công việc càng nặng nề hơn khi dịch lan ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông Phạm Trúc Lâm cho biết, lúc căng thẳng nhất, cán bộ nhân viên đơn vị cùng nhau hỗ trợ trong từng ca trực cũng như phân công hợp lý từng vị trí công việc như: chốt chặn, giám sát, khai báo online, kịp thời xử lý những hành khách có dấu hiệu nghi ngờ… Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Đà Nẵng còn thực hiện nhiệm vụ giám sát cho tất cả những người đến làm việc tại Nhà ga Quốc tế, kiểm tra thân nhiệt hành khách đến từ các chuyến bay quốc nội, giám sát tại cảng biển…
Nhân viên y tế tiêu độc, khử trùng tại các điểm tham quan ở Hội An. |
Ông Phạm Trúc Lâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Đà Nẵng tâm sự, có những ca trực suốt đêm hôm trước nhưng ngày hôm sau vẫn phải làm việc; hoặc có những trường hợp vợ làm kiểm dịch viên, chồng làm ở bộ phận quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay, cả 2 vợ chồng đều phải trực, con cái còn nhỏ ở nhà tự lo cơm nước.
"Anh em kiểm dịch viên cũng tâm sự với tôi rằng, con cái của kiểm dịch viên đi sang hàng xóm chơi họ không cho vào nhà, bảo đi về đi. Người dân không hiểu, cứ nghĩ rằng làm việc ở những nơi tiếp xúc trực tiếp với dịch bệnh nên họ cũng có những phản ứng hơi thái quá", ông Lâm cho hay.
Những ngày qua, Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, phân hiêu miền Trung - Tây Nguyên đóng tại phường Cửa Đại, thành phố Hội An được sử dụng làm nơi cách ly những người có liên quan đến các trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Người dân địa phương phập phồng lo sợ. Để trấn an dư luận, bộ phận truyền thanh của phường Cửa Đại liên tục phát đi thông tin về dịch bệnh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Đoàn Thanh niên phường trực tiếp đến những nơi đông người tuyên truyền, phát khẩu trang miễn phí để người dân phòng bệnh. Trong khu cách ly này hiện có 52 người đang được cách ly tập trung. Trong đó có 49 người nước ngoài, 3 người Việt Nam.
Thiếu tá Nguyễn Hoang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại, thành phố Hội An cho biết, từ khi được giao nhiệm vụ chăm lo cuộc sống cho những người cách ly, cán bộ chiến sĩ đơn vị lo từ chỗ ăn, chỗ ngủ cho từng người: "Sau khi tiếp quản, lực lượng biên phòng phối hợp với lực lượng y tế thành phố Hội An đã tiến hành tổng dọn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng rồi đưa các trang bị như giường, chăn, ra, áo, gối…đều là mới vào để phục vụ cho người cách ly. Đơn vị tham mưu thành phố Hội An tiến hành phủ sóng wifi toàn bộ khu vực để phục vụ cho việc giải trí và thông tin liên lạc và sinh hoạt cho người cách ly".
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bên cạnh lực lượng y tế còn có rất nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương tham gia. Công an các địa phương cũng là những người nơi “tuyến đầu” chống dịch. Lực lượng quản lý xuất nhập cảnh từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã “căng mình” chống dịch. Lực lượng công an, các cơ quan chuyên môn luôn nâng cao cảnh giác với tình trạng người nhập cảnh không khai báo, hoặc khai báo gian dối khi nhập cảnh cũng như không chấp hành cách ly theo quy định.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, cán bộ chiến sỹ toàn ngành sẵn sàng nhận nhiệm vụ cùng với các lực lượng khác tổ chức kiểm tra, rà soát số lượng khách tham quan, lưu trú: "Đặc biệt không để tình hình dịch bệnh tác động, gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân cũng như xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, nâng giá, gom hàng vật tư thiết bị y tế để bán với giá cao gây rối loạn thị trường. Và cũng xử lý những trường hợp tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh gây hoang mang trong dư luận. Có thể nói, công việc rất nặng nề nhưng với tinh thần trách nhiệm, công an các địa phương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền, nhân dân và khách quốc tế ghi nhận, đánh giá cao"./.
2 khách người Pháp cách ly tại Tiền Giang âm tính với Covid-19
4 du khách Anh cách ly tại Lâm Đồng đã âm tính với SARS CoV-2