Nâng cao nhận thức của xã hội và nhận diện các dạng hình thiên tai là những giải pháp quan trọng để chủ động ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong bối cảnh thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều. Tại Việt Nam trong vòng 20 năm gần đây, thiên tai làm chết, mất tích khoảng 10 .800 người gây thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20 nghìn tỷ đồng.
Ttrước diễn biến của thiên tai ngày càng phức tạp và khó lường kể cả cường độ về tần suất xuất hiện cũng như sự thay đổi về quy luật dẫn đến thiệt hại về thiên tai rất lớn như cơn bão số 10 vừa qua; sạt lở đất lũ quét tại một số tỉnh miền núi phía Bắc cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.
Theo ông Trần Quang Hoài, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, để chủ động ứng phó thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đưa ra chủ đề xuyên suốt hành động để hưởng ứng đó là nâng cao nhận thức trong phòng chống thiên tai. Không phải chỉ có nhận thức của người dân mà tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, nhận thức đối với những người làm công tác phòng chống thiên tai, các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực này, kể cả doanh nghiệp và người dân.
Đây cũng là nội dung lớn của “Khung hành động Sen đai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai” trong thời điểm đang xuất hiện nhiều dạng hình thiên tai mà thế giới gọi là hiện tượng “Bình thường mới”. Thuật ngữ này được sử dụng để phản ánh tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, không thể dự đoán trước cả về tần suất, cường độ và mức độ tàn phá.
Theo ông Hoài trong bối cảnh mới hiện nay thì cần nhận thức và có những giải pháp để giảm nhẹ thiệt hại và rủi ro của các dạng hình thiên tai. Theo đó, phải nhận diện thiên tai và có những giải pháp ứng phó phù hợp.
Tình trạng sạt lở ở khu vực ven biển đang là những thách thức đối với các nhà khoa học, làm thế nào để vừa đảm bảo hiệu quả khi xử lý nhưng không gây ra những tác động xấu đối với khu vực xung quanh. Như sạt lở khu vực biển ở Cửa Đại (Quảng Nam), trước kia chúng ta chủ yếu làm kè bê tông cứng nhưng hiện nay giải pháp này không còn phù hợp.
Việc này cho thấy ngay cả lĩnh vực khoa học cũng thay đổi nhận thức và nhận diện lại các loại hình thiên tai. Nhận thức cũng phải được thực hiện ở các vùng thiên tai, như khu vực miền núi nhiều hoạt động kinh tế xã hội trong quá trình phát triển nhưng lại chưa được lồng ghép công tác phòng chống thiên tai.
Vấn đề này cũng đang tồn tại ở nhiều nơi, nhiều địa phương, thậm chí một số Bộ, ngành cũng chưa coi trọng việc lồng ghép công tác phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nội dung lớn quy định trong Luật phòng chống thiên tai mà chúng ta phải triển khai thực hiện. Nếu không coi trọng điều này thì chính các hoạt động kinh tế - xã hội này sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ rủi ro thiên tai.
Cũng theo ông Hoài phải triển khai đồng bộ các giải pháp, từ việc xây dựng các tài liệu đào tạo nâng cao nhận thức, tổ chức các hội thảo, hội nghị tuyên truyền phổ biến phòng chống thiên tai.
Nhận diện về loại hình thiên tai, phối hợp với các quốc gia tiên tiến có trình độ về phòng chống thiên tai để phối kết hợp, đặc biệt là các tổ chức quốc tế như: các tổ chức của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, các đối tác phát triển, nhà tài trợ như Ngân hàng thế giới, ngân hàng Phát triển Châu Á trong việc đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng triển khai cùng với các địa phương để liên tục đưa thông tin, kỹ năng đến cộng đồng trong phòng chống thiên tai.
Hiện nay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế khác cũng đang phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương để đưa công tác phòng chống thiên tai lồng ghép vào kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân thời gian tới cần được nâng lên. Không những chỉ nâng cao nhận thức mà còn phải triển khai mạnh mẽ vào cuộc sống. Đó là đòi hỏi của thực tiễn trước tình hình thiên tai hiện nay./.Thiên tai khiến hàng triệu trẻ em lâm vào hình thức lao động tồi tệ