Khoa Tự nhiên, trường Cao Đẳng Sư phạm Gia Lai có 6 bộ môn, với 37 giảng viên.

Những năm tuyển sinh đông, khoa có tới 60 lớp, là khoa lớn nhất trường. Nhưng, năm học này, khoa Tự nhiên chỉ còn 2 lớp, với vỏn vẹn 45 sinh viên năm cuối. Đa số giảng viên của khoa không có tiết dạy.

vov_tuyen_sinh_wgqn.jpg
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai vào giữa tuần học, chỉ có lác đác một vài lớp trong trường hoạt động.

Ông Đặng Thông Huề, Phó trưởng khoa cho biết, 3 năm nay, vì không tuyển được sinh viên, nên khoa không mở lớp mới nào. Trước mắt, không có việc làm, hàng chục giảng viên nhà trường không có thu nhập đứng lớp. Vào năm học tiếp theo, khi 45 sinh viên này ra trường, ông Huề cũng không biết số phận của Khoa Tự nhiên sẽ được định đoạt như thế nào.

“2 năm nay, số tiết của chúng tôi giảm đi. Năm nay không còn tiết dạy nữa. Theo Luật Lao động, sau 3 tháng không có tiết dạy, nếu nhà trường không bố trí được công việc, chúng tôi sẽ bị cắt tiền đứng lớp. Tình trạng này sẽ tăng theo thời gian", ông Huề lo ngại.

Hiện nay, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai có 62 giảng viên không có việc làm, đa số họ có trình độ thạc sĩ trở lên.

Ông Đào Chiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù đã bố trí kiêm nhiệm, phụ trách thêm công tác đoàn, hội nhưng đơn vị không thể giải quyết hết việc làm cho số giảng viên này. Do đó, cùng với việc dừng chi trả thu nhập đứng lớp, nhà trường buộc lòng lập danh sách đề nghị đơn vị chủ quản là sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai sắp xếp, bố trí.

Nhiều dãy giảng đường tại trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã khóa cửa nhiều năm vì không tuyển được sinh viên.

“Không có cách nào cứu vãn được. Đây là nguồn lao động chuyên môn cao, thạc sĩ trở lên là đa số, không nằm trong diện tinh giản biên chế. Đó là điều khắc nghiệt nhất. Chúng tôi chỉ biết dôi dư thì báo cáo cấp trên để giải quyết vấn đề tài chính", ông Đào Chiến cho biết thêm.

Các trường cao đẳng, trung cấp nghề tại Gia Lai cũng đang gặp khó trong bố trí việc làm cho giảng viên.

Ông Nguyễn Tấn Thành, trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Gia Lai cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do các trường trùng lặp nhiều ngành nghề, chất lượng đào tạo chưa cao, khó cạnh tranh được với các trường ngoài tỉnh. Ngoài ra, cách biên chế giảng viên tại các trường công lập không linh hoạt trước nhu cầu của xã hội cũng khiến vấn đề thêm nan giải.

Ông Thành thừa nhận, hiện đơn vị chưa tìm ra giải pháp nào tháo gỡ tình hình: “Phải đăng ký bao nhiêu giáo viên cơ hữu thì mới mở được nghề đó. Hệ thống văn bản của Nhà nước ràng buộc như vậy thì mới khó. Ngày trước, một năm, trường nghề tuyển mấy lớp điện, biên chế hàng chục giáo viên điện. Bây giờ thủy điện phát triển mạnh, lưới điện phát triển hết, không còn người học điện nữa, những giáo viên dạy ngành này cũng không có việc làm. Chúng tôi giảm số lượng giáo viên bằng cách ai sắp tới tuổi về hưu thì động viên cho người ta nghỉ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính Phủ và không tuyển thêm nữa".

Hiện nay, UBND tỉnh và sở Nội vụ Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đốc thúc các sở, ngành thực hiện sắp xếp, sáp nhập các trường cao đẳng, trung cấp đảm bảo tinh gọn và hiệu quả.

Theo đó, sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai yêu cầu các trường trực thuộc thu hẹp quy mô đào tạo, xây dựng quy chế hoạt động tự chủ 100%. Đồng thời, sở Lao động Thương binh- Xã hội xây dựng đề án sáp nhập 3 trường cao đẳng, trung cấp nghề với trường Trung cấp Y tế, Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai cho rằng, sáp nhập một cách cơ học chỉ giúp bộ máy quản lý tinh gọn, chứ không giải quyết được việc làm cho giảng viên.

“Trước mắt chúng tôi đang chờ đợi. Khi sáp nhập rồi, Sở Lao động Thương binh- Xã hội sẽ chủ trì các trường ngồi lại tính toán đội ngũ giảng viên sáp nhập. Nhưng rõ ràng, các trường vốn đã tồn tại những đặc điểm riêng biệt, khiến trước đây không thể gộp vào. Khi gộp vào, về tổ chức quản lý, thì không có vấn đề gì. Nhưng về đào tạo thì không giống nhau. Đó là vấn đề chúng tôi băn khoăn", ông Nguyễn Ngọc Ánh phân tích.

Hàng trăm giảng viên chưa được bố trí việc làm tại Gia Lai đang không những bị ảnh hưởng tới tâm lý, cuộc sống của riêng họ mà còn gây lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương. Tỉnh cần tìm ra giải pháp căn cơ, hiệu quả sớm giải quyết vấn đề này./.