Sau hai lần tạm hoãn, ngày 9/12, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (52 tuổi, cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cùng 6 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Khanh và đồng phạm có mặt tại phiên tòa xét xử. |
Liên đới trách nhiệm hình sự trong vụ án này đối với Nguyễn Hồng Khanh còn có Nguyễn Huy Hùng (cựu Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn); Nguyễn Quang Lộc (cựu phó trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp). Các bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”.
Các bị cáo Lê Hoài Linh (47 tuổi, cựu Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát); Nguyễn Thành Luân (39 tuổi, cán bộ dưới quyền Linh), Nguyễn Minh Tâm (42 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND xã An Tây, thị xã Bến Cát) và Đặng Văn Thọ (50 tuổi, cựu cán bộ địa chính UBND xã An Tây) bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước đó, phiên tòa xét xử tạm hoãn vì thiếu chứng cứ quan trọng là tài liệu ủy thác tư pháp là lời khai của bà Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976, con gái bà Hồ Thị Hiệp hiện đang định cư ở Mỹ).
Tại phiên tòa ngày 9/12, HĐXX thông tin, tài liệu ủy thác tư pháp của bà Hảo đã được dịch sang tiếng Việt. Đây là tài liệu mật của FBI (Cục Điều tra liên bang thuộc Bộ tư pháp Hoa Kỳ) nên không được phép sao chụp đưa ra bên ngoài. Các luật sư bào chữa cho bị hại được tiếp cận ghi chép lại nội dung và được sử dụng để bào chữa cho các bị cáo. Ngoài tài liệu ủy thác tư pháp, bà Hảo cũng đã ủy quyền cho đại diện hợp pháp của mình đến tham dự phiên tòa.
Để đảm bảo quá trình xét hỏi khách quan, HĐXX cách ly các bị cáo để thẩm vấn riêng. Xét hỏi đầu tiên là bị cáo Nguyễn Huy Hùng. Bị cáo Hùng cho biết, bị cáo không hề gặp mặt bị cáo Khanh hay bất cứ ai mua tài sản thế chấp của bà Hiệp. Bị cáo cho rằng, công ty định giá, định giá quá cao so với giá trị thực của tài sản thế chấp nên không đồng tình với vấn đề này.
Bị cáo Hùng trình bày, Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn tự huy động vốn, cho vay vốn chứ không nhận bất cứ khoản tiền nào từ phía ngân hàng BIDV Việt Nam. Bên cạnh đó, ngân hàng BIDV Việt Nam là ngân hàng cổ phần nên cổ phần của nhà nước chỉ có một phần nhỏ. Nếu nói gây thất thoát thiệt hại cho nhà nước là không chính xác.
Ngày mai, phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các bị các còn lại…
Theo cáo trạng, bà Hồ Thị Hiệp (SN 1945, đã mất năm 2015) cùng con gái là Nguyễn Hiệp Hảo thành lập 2 công ty để sản xuất kinh doanh. Từ năm 2005-2008, 2 công ty thế chấp tài sản hơn 20ha tại xã An Tây, thị xã Bến Cát để vay của Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn số tiền 72 tỉ đồng nhưng không có khả năng trả nợ buộc ngân hàng phải tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Từ năm 2012 - 2015, Nguyễn Huy Hùng đã chỉ đạo cho cấp dưới là Nguyễn Quang Lộc - cựu phó trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp, trực tiếp thực hiện xử lý tài sản thế chấp trên.
Hùng, Lộc đã cấu kết với bà Hiệp và ông Khanh thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp trái quy định pháp luật, để ông Khanh mua gần 20ha đất và máy móc thiết bị trị giá 45,7 tỉ đồng nhưng ngân hàng chỉ thu hồi nợ được số tiền 10,3 tỉ đồng tiền gây thất thoát cho nhà nước số tiền 35,4 tỉ đồng. Liên đới vụ án ngoài cán bộ ngân hàng còn có các cựu cán bộ xã, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai Thị xã Bến Cát./.