Người xả rác phải trả tiền thu gom, xử lý cho tương xứng

Ngày 14/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo quốc tế “Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”.

vov_3_bske.jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, tình hình phát sinh chất thải rắn đô thị trong những năm gần đây thật sự đáng lo ngại, báo cáo về hiện trạng môi trường cho thấy, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng chất thải rắn đô thị. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2015 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010; dự đoán năm 2020 sẽ tăng gấp 2,37 lần và năm 2025 là 3,2 lần của năm 2010. Bình quân chất thải rắn/đầu người tăng (0,95kg/người/ngày năm 2009 lên l,6kg/người/ngày năm 2025). Đây sẽ là những áp lực lớn đối với công tác quản lý chất thải rắn đô thị trong thời gian tới.

Quản lý chất thải rắn là nhức nhối của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chia sẻ tại buổi Hội thảo, ông Jorg Ruger (Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam) cho biết, “nước Đức năm 1972 đã đóng cửa 50.000 bãi chôn lấp, sau đó ban hành chính sách 3R là nhiệm vụ bắt buộc trên hướng đến kinh tế tuần hoàn. Năm 2015 nước Đức cấm chôn lấp chất thải chưa qua xử lý, chúng tôi sử dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, trách nhiệm rõ ràng và khuôn khổ pháp lý minh bạch. Chính quyền chỉ ban hành quy định và giải pháp chứ không tham gia vào các hoạt động thực hiện. Năm 2012 chúng tôi đã ban hành luật về kinh tế tuần hoàn, nêu rõ các chất thải sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau. Người xả rác thải phải trả tiền theo số lượng thải ra và số lượng đó có được tái chế không theo mức đóng khác nhau của từng người”, ông Jorg Ruger cho biết thêm.

Ông Nguyễn Thế Chinh (Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT).

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Chinh (Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT) cho rằng: “Tuy chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế như khâu xử lý chất thải. Hiện nay phần lớn là chôn lấp khiến ô nhiễm môi trường, vừa tốn kém lại tiêu tốn nhiều diện tích đất dẫn đến có nhiều nơi như bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) không đồng tình. Tiếp đến là chưa phân loại và xử lý ngay tại nguồn và ý thức của người dân còn kém khi xả rác bừa bãi... Hiện tại chính sách của chúng ta đã tạm ổn nhưng việc thực hiện còn hạn chế”.

Theo ông Chinh, “để khắc phục vấn đề này ngoài xây dựng các quy định chặt chẽ thì cần xây dựng 1 văn hóa từ trong chính các gia đình ra đường đến chính quyền và xã hội. Cần giao khoán cho doanh nghiệp chứ không để Nhà nước đi làm được. Cần thay đổi cách thu phí rác thải, phải thu theo khối lượng xả thải ra chứ “không cào bằng” như hiện nay, việc thu rác phải theo khối lượng đủ chi phí thu gom và xử lý...”.

Biến chất thải thành tài nguyên

Ông Jorg Ruger (Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam) chia sẻ: “Ở Đức chúng tôi yêu cầu bên thứ 3 có thể thu gom xử lý chất thải đó, phân loại và có xuất khẩu chất thải (đáp ứng các tiêu chuẩn). Chúng tôi không muốn chôn lấp rác vì vậy đốt rác để phát năng lượng phục vụ cho các ngành nghề khác và rất nhiều cơ sở của chúng tôi đã có hoạt động này.

Theo Đại diện Phần Lan, ở quốc gia này phân loại rác tại nguồn, tăng cường khả năng thu hồi chất thải đặc biệt tại các hộ gia đình. Thu phí với vấn đề xử lý chất thải được chôn lấp, cẩn trọng trong việc phân loại và thu gom tái chế chất thải đặc biệt chất thải có khả năng sinh lợi cao. Tách chất thải hữu cơ và vô cơ, khô và ướt.

Các đại biểu, chuyên gia và nhà khoa học tham dự Hội thảo.

“Chúng tôi có hệ thống nhà máy để xử lý thu hồi chất dinh dưỡng trong chất thải thực phẩm. Thu hồi khí mê tan để biến thành năng lượng phát điện. Mới đây vì lý do kinh tế việc chuyển khí mê tan sinh học được chế tạo nhiều hơn để phát điện và bán cho những bên nhu cầu sử dụng điện. Kết nối nhà máy nhiệt điện và cơ sở xử lý rác thải và nhiệt lượng tạo ra điện từ đó mức phí cũng sẽ hợp lý hơn”, Đại diện quốc gia Phần Lan cho biết thêm.

Ông Nguyễn Thế Chinh (Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT) chia sẻ: “Hàn Quốc là 1 ví dụ về sự thành công do họ chú ý đến luật pháp và phù hợp với giai đoạn phát triển. Người Hàn Quốc rất coi trọng đến thị trường tức là người xả rác nhiều phải trả nhiều chứ không cào bằng theo đầu người như ở ta. Năm 2025 Hàn Quốc không chôn lấp nữa mà mang vào tái chế làm nguyên liệu cho các ngành khác. Công nghiệp sinh thái là hình thức kinh tế tuần hoàn hay nuôi bò lấy phân làm bioga hoặc vỏ tôm biến thành thức ăn cho loài khác,...".

Ông Chinh nhấn mạnh, chúng ta cần có kế hoạch thực thi ngay từ dưới cơ sở, từ hộ gia đình, phường xã cho đến các công ty... thực hiện theo lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Nền kinh tế tuần hoàn, anh vứt rác ra phải thấy là lãng phí,...phải cảm thấy mọi thứ đều bán được và tái sử dụng được. Làm sao để người dân thấy lợi thì sẽ thay đổi được hành vi. Không chỉ áp dụng mô hình 3R mà phải là 5R và coi chất thải là tài nguyên, là đầu vào cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, không nên quay lưng với nó./.