Chiều 25/2, tại Thành phố Mỹ Tho, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo về việc tái hoạt động trạm thu phí BOT Cai Lậy. Dự buổi họp báo có đại diện Ban Tuyên giáo TW và gần 100 phóng viên thông tấn, báo chí TW và các ngành, các địa phương.

vov_cai_lay_zvjd.jpg
Toàn cảnh họp báo BOT Cai Lậy.

 Sau hơn một năm tạm ngưng hoạt động, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, dự kiến vào tháng 3 tới đây, trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sẽ chính thức hoạt động trở lại. Theo đó, trạm thu phí vẫn giữ nguyên vị trí cũ (tức là trên mặt đường quốc lộ 1A, thuộc xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Lần thu phí này, trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ giảm giá vé tối đa cho tất cả các phương tiện qua trạm thu phí từ 40-60% so với trước đây. Ví dụ như  xe nhóm I từ 35.000 đồng/lượt giảm xuống còn 15.000 đồng/ lượt; đồng thời miễn, giảm giá vé  cho các phương tiện ở 14 xã, phường vùng lân cận trạm thu phí, với cự ly lên đến 10km.

Trạm thu phí BOT tái hoạt động theo công nghệ thu tự động không dừng. Đối với xe tải, xe khách sẽ được phân luồng không đi vào trung tâm Thị xã Cai Lậy mà phải đi vào tuyến tránh Cai Lậy. Thời gian thu phí dịch vụ của nhà đầu tư nâng lên 15 năm 9 tháng.

Đông đảo phóng viên báo chí dự họp báo.

Ông Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, từ ngày xả trạm cuối cùng cho đến nay, chủ đầu tư bị thiệt hại hơn 130 tỷ đồng, phải trả lãi vốn vay ngân hàng. Do đó, nhà đầu tư “cầu xin” báo chí chia sẻ và hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác thông tin tuyên truyền để người dân, giới tài xế hiểu được ý nghĩa của dự án, khó khăn của nhà đầu tư, từ đó tạo được sự đồng thuận để trạm thu phí tái hoạt động.

Tại buổi họp báo, rất nhiều phóng viên báo chí đặt câu hỏi cho Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy là cơ sở pháp lý để giữ nguyên vị trí trạm thu phí tại mặt đường quốc lộ 1A mà không đặt ở tuyến tránh Cai Lậy; công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông và xử lý khi người điều khiển phương tiện tiếp tục sử dụng tiền lẻ, mệnh giá thấp mua vé hay có thái độ quá khích, phản đối trạm thu phí…

Các thắc mắc này đã được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ và  Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang giải thích. Theo Bộ Giao thông vận tải và chủ đầu tư, phương án tái thu phí trở lại nhất là vị trí đặt trạm thu phí đã thực hiện đúng các thủ tục về mặt pháp lý và được sự thống nhất của các cơ quan chức năng và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang nhằm có cơ sở hoàn vốn cho Dự án.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy trước ngày tái thu phí.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, để tái thu phí, Bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư sửa chữa, khắc phục  những điểm hư hỏng, xuống cấp mặt đường quốc lộ 1A và Tuyến tránh Cai Lậy. Cuộc họp báo này để lấy ý kiến từ phóng viên báo chí và dư luận, sau đó quyết định chính thức ngày tái hoạt động trạm thu phí BOT Cai Lậy:

"Hôm nay, chúng tôi tổ chức họp báo để xem ý kiến phản ánh, góp ý, phản hồi từ các báo chí như thế nào. Bộ có cần phải xử lý cái nào, tỉnh còn xử lý việc nào và nhà đầu tư BOT cần xử lý cái nào nữa không. Cuối cùng chúng tôi tập hợp các cái này để trình Lãnh đạo Bộ xem thu phí ngày nào. Hiện nay, nhà đầu tư thiệt hại 130 tỷ đồng rồi, nên Bộ GTVT cũng như nhà đầu tư, tỉnh Tiền Giang cố gắng hoàn thiện cái gì đang bất cập để nhà đầu tư được thu phí sớm nhất", ông Nguyễn Nhật nói./.