tac_duong_agrj.jpg
Sáng đầu tuần, tuy chưa vào giờ cao điểm song nhiều tuyến phố đã rơi vào cảnh ùn tắc, như: Phùng Hưng qua Viện 103, Trần Phú (Hà Đông), Lê Văn Lương... Trên đường Tố Hữu, ùn ứ kéo dài từ 7h đến 9h chưa kết thúc.
Tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, đến 9h dòng phương tiện vẫn nối đuôi nhau. Mặc dù tại đây có hệ thống đèn tín hiệu, nhưng nhiều chủ phương tiện do chôn chân quá lâu nên đã vượt đèn đỏ gây cảnh hỗn loạn.
Phần lớn xe máy trên tuyến đường này đi lên vỉa hè, số ít luồn lách sang làn đường trong cùng bên trái nơi dành riêng cho ôtô.
Đến 8h sáng, nhiều phụ huynh đưa con đi học vẫn phải chôn chân dưới đường.
Đường Nguyễn Trãi xảy ra ùn tắc cục bộ, xe buýt không thể bắt khách vì đường quá đông. Đường Nguyễn Trãi vốn có công trình đường sắt trên cao đang thi công rào chắn chiếm hơn một nửa tạo thành nút thắt cổ chai, khiến dòng phương tiện vào giờ cao điểm dồn ứ.
Dù hơn 8h, nhiều học sinh của trường THPT Trần Hưng Đạo vẫn chưa thể thoát khỏi đoạn đường ùn tắc ở đường Nguyễn Trãi. Lúc này, cảnh sát giao thông phải ra phân luồng, dẫn các em qua đường để kịp giờ học.
Có học sinh quá vội, tìm cách vượt qua điểm ùn tắc bằng cách tạt qua đầu xe khách. Trung tá Đỗ Mạnh Ninh, Đội trưởng Cảnh sát giao thông số 7, lý giải về việc ùn tắc triền miên trên tuyến Nguyễn Trãi, Tố Hữu phần lớn do công trình đường sắt trên cao đang thi công rào rắn chiếm nửa đường, tạo thành nút thắt cổ chai.
Nhiều tuyến đường ùn tắc từ 6h30 sáng đến 9h vẫn chưa giảm, như đường Phạm Hùng qua bến xe Mỹ Đình, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Phạm Văn Đồng. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ năm 2011 đến nay, địa bàn thành phố đã giảm từ 124 điểm thường xuyên ùn tắc xuống còn 46 điểm, trong đó có 12 điểm mới phát sinh./.