Hôm nay (19/3), ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Bình Dương cho biết, đơn vị đang phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương truy tìm, xử lý chủ thuê bao 280 số điện thoại với gần 1.700 cuộc quấy rối, phản ánh thông tin không chính xác đến Hệ thống đường dây nóng 1022 tỉnh Bình Dương.
Nhân viên trực đường dây nóng 1022 Bình Dương. |
Hệ thống đường dây nóng 1022 tỉnh Bình Dương vận hành từ ngày 24/11/2019. Hệ thống hoạt động 24/24h để tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo 3 nhóm lĩnh vực: Thủ tục hành chính, cứu hộ khẩn cấp (113, 114, 115) và phản ánh hiện trường với nhiều phương thức khác nhau. Người dân, doanh nghiệp có thể điện thoại vào đầu số 1022, tin nhắn, thư điện tử, các ứng dụng trên Internet.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, hệ thống đã tiếp nhận gần 2.000 yêu cầu có nội dung chính xác, trong đó tiếp nhận cấp cứu 1023 cuộc, giải đáp thủ tục gần 250 yêu cầu. Đặc biệt, đường dây nóng đã tiếp nhận 60 cuộc gọi của người dân liên quan đến dịch Covid-19 như phản ánh, tố giác cơ sở “hét” giá khẩu trang, thông tin người dân cung cấp về tình trạng người nước ngoài về địa bàn không khai báo hoặc các ly theo yêu cầu, hướng dẫn của ngành y tế.
Tuy nhiên, thời gian qua, Hệ thống đường dây nóng 1022 tỉnh Bình Dương thường xuyên bị các đối tượng gọi vào quấy rối, với gần 1.700 cuộc gọi quấy rối, phản ánh thông tin không chính xác.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Bình Dương cho biết, đường dây nóng bị quấy rối đã gây cản trở trong việc hỗ trợ cấp cứu và công tác phòng, chống dịch bệnh cho người dân: "Khi họ gọi, nhá máy, quấy rối liên tục vào đường dây thì đường dây đó bận sẽ không đủ để phục vụ nhu cầu cấp cứu khác. Những người khác có nhu cầu cấp cứu thật sự nhưng đường dây bận sẽ ảnh hưởng đến việc phục vụ của Nhà nước đến người dân".
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương, hành vi gọi điện, tung tin sai sự thật hoặc có tính chất quấy rối Hệ thống đường dây nóng 1022 tỉnh Bình Dương có thể phạt tiền từ 10-50 triệu đồng theo Nghị định số 167 và Nghị định số 174 của Chính phủ.
Đặc biệt, kể từ ngày 15/4/2020, theo quy định tại Nghị định số 15 của Chính phủ thì mức phạt cho các hành vi trên sẽ tăng lên từ 50 đến 70 triệu đồng./.