Đầu tháng 6 vừa qua, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã cùng một số doanh nghiệp chăn nuôi, kinh doanh lợn Móng Cái khảo sát, nghiên cứu xây dựng khu chăn nuôi tại đảo Hòn Gạc (thuộc thành phố Cẩm Phả) và hòn Thẻ Vàng (thuộc huyện Vân Đồn).

Đây là các đảo không có người ở, cách đất liền khoảng 20 km và được cho là khu vực cách ly tốt, có thể giúp bảo vệ đàn lợn Móng Cái bố mẹ. Để thực hiện phương án đưa lợn ra đảo, các doanh nghiệp đề xuất tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ gần 9 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại và đảm bảo các điều kiện chăn nuôi.

vov_1_1__vxuz.jpg
Lợn Móng Cái là một trong những giống lợn nổi tiếng của Quảng Ninh.

Tuy nhiên, ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh cho rằng phương án đưa ra đảo là không khả thi vì vẫn có nhiều rủi ro do thức ăn, nước uống và con người vẫn từ đất liền ra.

"Nếu dịch bệnh trên đảo thì việc xử lý rất khó khăn, liên quan đến môi trường biển đảo. Việc đưa lợn ra đảo thì không phải ngày một, ngày hai mà cần lâu dài mà dịch chưa biết bao giờ hết. Lợn nái lại tiếp tục đẻ, quỹ đất nông nghiệp lại phát sinh. Do đó, biện pháp này là không ổn” - ông Trần Xuân Đông nói.

Lợn Móng Cái là sản phẩm OCOP cấp tỉnh của Quảng Ninh và định hướng trở thành sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

Đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 80% xã phường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với trên 110.000 con lợn buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng trên 5.300 tấn.

Theo nhận định của các chuyên gia thì dịch vẫn đang lây lan nhanh và biện pháp tốt nhất để bảo vệ đàn lợn tránh khỏi nguy cơ bị dịch tả tấn công là thực hiện phương châm 4 tại chỗ: Thú y tại chỗ, an toàn sinh học, nuôi dưỡng và cách ly.

“Theo tôi nên bảo vệ tại chỗ là tốt nhất,  cách ly các yếu tố có thể làm dịch lây lan như chuột, động vật... Ví dụ như đào 1 cái hào nước xung quanh trại, hoặc tạo một khoảng cách để sát trùng. Nhiều nơi họ đã và đang làm rất tốt”, GS.TS Nguyễn Lân Dũng nêu ý kiến.

Đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 80% xã phường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với trên 110.000 con lợn buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng trên 5.300 tấn.

Lợn Móng Cái là sản phẩm OCOP cấp tỉnh của Quảng Ninh và định hướng trở thành sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Chính vì vậy, việc bảo tồn giống lợn quý này trước sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi càng trở nên cấp bách. Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với đơn vị liên quan xem xét, đề xuất phương án sử dụng công nghệ cao để trữ tinh, phôi đông lạnh nhằm bảo tồn giống lợn Móng Cái.

Tiến sỹ Phan Lê Sơn, Trưởng bộ môn Sinh lý Sinh sản và Tập tính vật nuôi, Viện chăn nuôi cho biết đây là kỹ thuật tối ưu và thời gian lưu trữ trong vòng 3-4 năm.

“Bảo quản tinh trùng đông lạnh trong ni tơ lỏng, lợn cái thì bảo quản phôi ở ngày thứ 6 là phôi dâu, phôi nang. Kỹ thuật này hiện nay không khó. Dự kiến đông lạnh khoảng 600.000 liều tinh. Nếu phối hết, tỷ lệ có thành công khoảng 70%. Nếu con lợn đã có huấn và khai thác rồi thì mỗi trang trại cũng phải mất 1 tháng, cố gắng rút ngắn xuống còn 3 tháng. Còn lấy phôi sẽ lâu hơn”. TS Phan Lê Sơn nói.

Việc bảo vệ giống lợn quý là việc cần làm ngay, nhất là khi việc lấy tinh và phôi lợn giống mất khá nhiều thời gian. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi lại đang rất khó lường với hầu hết số xã, phường, thị trấn tại Quảng Ninh đã có dịch. Nếu không sớm có một biện pháp khả thi, e rằng việc bảo vệ giống lợn đặc sản Móng Cái sẽ là quá muộn./.