Theo ông Hồ Đức Phước, Tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN), dù ít bị dư luận lên tiếng chỉ trích nhưng hình thức đầu tư BT (đầu tư đổi đất lấy hạ tầng) lại dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch.

“Đầu tư theo hình thức BT đang tạo ra những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu “đất vàng”.

bao_tang_1_nmne.jpg
Bảo tàng Hà Nội. 

Hầu hết các dự án được giao đất trước khi hoàn thành công trình, giá đất lúc đó thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình, dẫn đến việc thanh toán không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Dẫn ví dụ dự án đầu tư Bảo tàng Hà Nội khi hoàn thành lại trở thành biểu tượng của sự lãng phí nguồn lực Nhà nước.

Tiến sĩ Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V cho rằng, khoảng trống trong quy định pháp luật khiến dự án BT khi hoàn thành lại thành “mảnh đất màu mỡ của tham nhũng, tiêu cực để nhà đầu tư trục lợi”.

“Chúng ta áp dụng một hình thức quản lý tiên tiến trong khuôn khổ hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, còn nhiều chồng chéo và kẽ hở để các nhà đầu tư thao túng”, Tiến sĩ Lê Huy Trọng nói thêm. 

Một điểm bất cập nữa là hầu hết các dự án BT đều chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Đơn cử như tại Hà Nội, thanh tra 15 dự án BT, nhưng chỉ 1 dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu. Các dự án được thực hiện không thông qua đấu thầu, chủ đầu tư hầu như chỉ “một mình một chợ” đã làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch. Quyền sử dụng đất lại không được xác định chính xác và đầy đủ. Như vậy, Nhà nước cũng như nền kinh tế phải gánh chịu thiệt hại kép. 

Bất cập khác trong đầu tư BT, theo bà Trương Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) là việc đội vốn tổng mức đầu tư dự án. Qua kiểm toán, một số chi phí trong tổng mức đầu tư lập cao so với thực tế và quy định, thiếu căn cứ; dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, chiếm dụng tiền của ngân sách Nhà nước.

Bà Yến cũng cho biết, việc ký kết hợp đồng BT còn chưa phù hợp, không chặt chẽ, thiếu ràng buộc chế tài khi nhà đầu tư vi phạm về tiến độ, thời gian thực hiện dự án, chất lượng công trình… Cụ thể, trong trường hợp dự án BT đã được thanh toán bằng dự án giao đất khác trước khi hoàn thành dự án BT, nhà đầu tư không bị áp lực phải thực hiện dự án đúng theo tiến độ cam kết.

Theo số liệu từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.815 tỷ đồng trên tổng số 30.425 tỷ tại 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán.

Thừa gần 60.000 biên chế

Một “huyệt đạo” nữa cũng được KTNN chỉ ra là việc thừa gần 60.000 cán bộ trong biên chế được kiểm toán phát hiện tại các cơ quan trong năm 2017.

Theo ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN, năm 2017, KTNN đã thực hiện 257 cuộc kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực mới, nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Ông Đoàn Xuân Tiên cho biết, trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, KTNN đã phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế. Do đó, đơn vị này đã có kiến nghị siết chặt công tác quản lý biên chế công chức, viên chức của các cơ quan.

Trước đó, KTNN từng phát hiện tại tỉnh Vĩnh Phúc, 38/45 công chức ở Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh là lãnh đạo. Số lãnh đạo tại nhiều phòng giáo dục ở tỉnh này nhiều hơn nhân viên, có phòng toàn bộ công chức là lãnh đạo. Ngay tại Sở Nội vụ, KTNN cũng phát hiện có phòng ban 12 người nhưng tới 9 công chức là lãnh đạo.

Ngoài thông tin về tình hình công chức, năm 2017, KTNN đã phát hành 273 báo cáo kiểm toán với số tiền xử lý tài chính là 43.660 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 32.609 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật.

Đơn vị này cũng kiến nghị tăng thêm vốn Nhà nước gần 8.700 tỷ đồng, xác định các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 504,5 tỷ đồng qua công tác kiểm toán xác định lại giá trị doanh nghiệp Nhà nước trước khi cổ phần hóa tại 6 doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 15/1 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Kiểm toán đã đi sâu vào đánh giá những vấn đề vĩ mô, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước đồng thời đánh giá cơ chế chính sách kịp thời hoàn thiện những chỗ trống, thất thoát từ cơ chế chính sách. Nói cách khác là bịt lỗ hổng để tránh thất thoát lãng phí, phục vụ ngày càng tốt hơn chính sách điều hành tài chính công”./.