Trận mưa lũ xảy ra đầu tháng 8 và tháng 10 năm nay tại các huyện miền núi, đặc biệt khó khăn của 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái đã làm 52 người chết, mất tích. Hàng ngàn ngôi nhà bị sập, trôi, sạt lở và nguy cơ bị sạt lở. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường trạm bị phá hủy nghiêm trọng. Tổng thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Đồng bào các dân tộc vùng cao vốn đã nghèo nay thêm khốn khó hơn khi chỉ trong tích tắc mất đi người thân, tài sản, ruộng vườn.

mua_lu_o_son_la_1_mrck.jpg
(Ảnh minh họa)

Căn nguyên của những trận mưa lũ lịch sử này được xác định chủ yếu là do rừng không còn dẫn đến những cơn mưa lũ, sạt lở đất bất ngờ.
Lũ quét qua chỉ trong thoáng chốc, nhưng đã làm bản Bang, xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La tan hoang, xơ xác. Khắp bản giờ là đá, bùn đất. Cả bản hơn 40 nóc nhà, thì 9 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 17 nhà phải sơ tán, lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Toàn bộ diện tích lúa sắp cho thu hoạch cũng bị vùi lấp, mất trắng. Tỉnh lộ 114 nối từ xã Mường Do đến Mường Bang chỉ dài hơn 12 km nhưng có đến gần 40 điểm sạt lở. Cơn nước dữ kèm theo bùn đất, đá tảng cứ ầm ầm kéo xuống, không gặp bất cứ trở ngại nào bởi nơi đây rừng đã không còn từ lâu.
“Đợt mưa vừa rồi kéo dài 4, 5 ngày, nước lũ to quá, nhà cửa mất hết hoàn toàn, chẳng còn gì nữa, cả thóc ăn cũng không có, tài sản gia đình cũng đi hết theo lũ”, một người dân vùng lũ chua xót cho biết.
Căn nhà của gia đình chị Hà Thị Thắm, xã Gia Phù giờ trơ lại đống đất bùn nhão nhoẹt vùi trên những đoạn tre mục, cột gỗ gãy đổ cùng chiếc ti vi, xe đạp biến dạng mắc ở gốc nhãn ngoài ngõ. Chỉ trong tích tắc, mưa lũ từ quả đồi trọc sau nhà đã vùi lấp hết cả nhà cửa, tài sản bấy lâu gây dựng. Rất may vợ chồng và đứa con gái nhỏ chạy thoát trước khi căn nhà đổ sập.
Chị Thắm kể lại: “Lúc đấy, thấy lũ kéo về ầm ầm, chúng tôi chỉ biết kéo nhau chạy thoát. Gia đình giờ chẳng còn thứ gì, đàn ong mới nuôi cũng trôi hết, nhà cửa cũng trôi”.
Trắng tay không còn thứ gì, trên người còn mỗi bộ quần áo là hoàn cảnh chung của nhiều hộ dân vùng lũ Phù Yên những ngày này. Cuộc sống trước mắt của người dân vô vàn khó khăn khi nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị phá hủy, nhà cửa và các phương tiện sản xuất như ruộng, nương, ao cá không còn.
Bà Lương Thị Như Hoa, Bí thư Huyện ủy Phù Yên nói: “Trên địa bàn huyện giờ vẫn chưa có điện, vì vậy trước hết là nhu yếu phẩm về nến, dầu thắp sáng là cần thiết và chúng tôi đã chỉ đạo vận chuyển đến cho bà con. Chúng tôi cũng rất mong các ngành, các cấp trong tỉnh và trong cả nước chung tay góp sức để làm sao Phù Yên kịp thời khắc phục đời sống của bà con nhân dân”.
Sau những thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, thời gian tới để ứng phó hiệu quả với thiên tai, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Sơn La cần thực hiện tốt việc tái cơ cấu kinh tế, trong đó rừng là kinh tế mũi nhọn và người dân là chủ thể.
Bộ trưởng cho biết: “Với biến đổi khí hậu, với địa hình, với tình hình như thế này, từ câu chuyện này phải nhìn xa hơn về tái cơ cấu kinh tế của Sơn La, không phải là tái cơ cấu trồng ngô, trồng lúa cụ thể của thôn này, bản này. Bởi, Sơn La phải là rừng, rừng là kinh tế mũi nhọn, bền vững lâu dài sau này, là trụ cột. Tất nhiên là phải làm cho người dân sống được với rừng”./.