Đến thời điểm này, toàn huyện đã có gần 5.500 tấn trong tổng số 7.200 tấn hàu chuẩn bị cho thu hoạch trên địa bàn huyện bị chết, thiệt hại ước tính trên 80 tỷ đồng.

vov_h1_zmlk.jpg
Sáng 26/4, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Hữu Giang dẫn đầu đoàn công tác tiếp tục kiểm tra tình hình dịch bệnh trên hàu tại huyện Tiên Yên.

Mô hình nuôi hàu đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người nuôi, có nhiều hộ từ đây đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả. Vậy nên, trong vài năm gần đây, mô hình này đã được nhân rộng, ngày càng có nhiều hộ đầu tư vốn để nuôi hàu.

Thời điểm này năm ngoái, anh Mạc Văn Ngô còn đang bận rộn với việc thu hàu để bán nhưng năm nay, mỗi ngày anh lại lặng lẽ đi vớt hàu chết. "Tôi nuôi 4 bè, ngay tại khu Cái Đản huyện Tiên Yên, vừa rồi khi kiểm tra lại thì số hàu chết khoảng 15% trong 1 bè", anh Ngô kể. 

Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Yên, từ ngày 10/4-14/4, hàu nuôi của các hộ dân bị chết hàng loạt, khiến nhiều hộ nuôi hàu mất trắng. Hiện tượng hàu chết hàng loạt chỉ xảy ra tại khu vực cửa sông mà không diễn ra trên hàu nuôi ngoài biển. Hàu chết chủ yếu trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, hàu nhỏ có chết nhưng số lượng ít, chỉ khoảng 20-30%. 

Từ ngày 10-14/4/2017, tỷ lệ hàu chết tại các bè nuôi trên địa bàn huyện Tiên Yên tăng cao, lên đến 70-80%.

Ông Tô Xuân Yên, trưởng thôn Thủy Cơ, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên cho biết tổng số cả bè chìm và bè nổi là hơn 100 cái. Chỉ trong khoảng 10-15 ngày hàu đã chết sạch. Hiện tại chỉ còn lại 10% các hộ nuôi trồng. 

Ngay sau khi nắm tình hình, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực tiếp xuống hiện trường thu thập thông tin. Qua kết quả kiểm tra, phân tích ban đầu của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thuỷ sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1), Cơ quan Thú y vùng II, các thông số về môi trường nước như: Nhiệt độ, pH, độ kiềm... đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép đối với môi trường nuôi thủy sản nước mặn lợ nói chung.

Còn theo kết quả xét nghiệm về bệnh học của Cơ quan Thú y vùng II ngày 21/4, đã phát hiện thấy 3/3 mẫu dương tính với vi khuẩn V.parahaemolyticus và V. vulnificus (đây là những vi khuẩn có sẵn trong nước), nhưng âm tính với vi rút OsHV-1 và Perkinsus sp trong các mẫu kiểm tra.

Hai kết quả xét nghiệm trên mới chỉ là kết quả sơ bộ ban đầu. Hiện Sở NN -PTNT đang tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xem xét thêm các tác nhân gây bệnh khác.

Ông Trương Công Ngàn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Địa phương yêu cầu các hộ nuôi phải đưa dây hầu lên để phơi trên nắng ngay ở trên bè đó để khử trùng. Và cũng là để trên bờ để tái chế lại cái vỏ hầu thành các sản phẩm, vì vỏ hầu là dạng vôi có thể nung thành vôi phục vụ cho các mục đích khác".

Được biết, không chỉ có huyện Tiên Yên, hiện thị xã Quảng Yên, khu vực cửa sông Vân Đồn (giáp huyện Tiên Yên) và một số điểm ở thành phố Móng Cái cũng đang có hiện tượng hàu chết hàng loạt, dao động trong khoảng 25- 80%.

Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đề nghị: Bí thư huyện Tiên Yên chỉ đạo phòng nông nghiệp, trực tiếp là chủ tịch xã nắm danh sách những hộ nuôi hàu bị chết. Khi chưa tìm rõ nguyên nhân hầu chết, sẽ tạm dừng việc nuôi thả. Địa phương cũng như chi cục thủy sản, chi cục chăn nuôi thú y phải theo dõi, bám sát hàng ngày ngày tại hiện trường. 

Hiện tại, đối với số hàu chết vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho người dân. Vì vậy, trước tình hình diện tích hàu bị thiệt hại lớn như hiện nay, các ngành chức năng cần sớm tìm ra giải pháp để hướng dẫn người dân khắc phục những diện tích hàu bị thiệt hại, góp phần ổn định cuộc sống của họ để tiếp tục phát triển kinh tế địa phương./.