Nhiều đối tượng khai thác cát trái phép một cách ngang nhiên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sạt lở sông suối và tạo sự bức xúc trong nhân dân.

vov_cat_tac_o_gia_lai_3_ievv.jpg
Chế tài xử lý khai thác cát lậu chưa đủ sức răn đe?

Qua tin báo của quần chúng nhân dân, đầu tháng 8 này, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với chính quyền xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh bắt quả tang vụ khai thác tại suối Ia Grăm, làng A Mơng. Với gần 1.000 m3 cát đang tập kết tại bãi, đây là vụ khai thác cát trái phép lớn nhất lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh phát hiện. Chủ bãi cát được xác định là ông Ngô Quang Tuân, trú tại xã Ia Nhin, huyện Chư Păh. Đáng chú ý, đây là lần thứ hai phát hiện và bắt quả tang ông Tuân tổ chức khai thác cát. Lần trước đó mới chỉ khoảng 20 ngày và Công an môi trường cũng đã lập biên bản, giao cho chính quyền xã Ia Mơ Nông xử lý.
Dù đã hai lần bị bắt quả tang, ông Ngô Quang Tuân vẫn bao biện cho hành vi sai trái: “Khi mưa bão, cát chảy về, tôi mới tận dụng. Tôi nghĩ hút cát ở đây không phải phá sông phá suối. Tôi thấy cát tiếc quá nên hút để phục vụ làm nhà làm cửa cho bà con”.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 21 tổ chức được cấp phép khai thác, thăm dò và tận thu khoáng sản. Trong đó, có 12 giấy phép khai thác, 8 giấy phép thăm dò và 1 giấy phép tận thu tại 43 điểm ở 10 huyện, thị xã. Tuy nhiên, nhiều cá nhân dù chưa được cấp phép vẫn lén lút đưa các phương tiện, máy móc vào các điểm khoáng sản để khai thác. Việc khai thác cát trái phép diễn ra chủ yếu tại các địa bàn xa khu dân cư, khu vực giáp ranh nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đồng thời, theo Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Gia Lai, chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh khai thác cát hiện nay còn bất cập, thiếu sức răn đe dẫn đến tái diễn vi phạm.
Đại tá Nguyễn Văn Minh cho biết: “Nếu như trước đây, theo Nghị định 142 năm 2013, chỉ cần các phương tiện đụng đến khai thác cát sỏi, khoáng sản xây dựng thông thường là ngoài xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền sẽ tịch thu phương tiện. Nhưng gần đây, Nghị định 33 của Chính phủ, có hiệu lực từ 20/5/2017, quy định, các đối tượng khai thác cát phải đạt khối lượng từ 50mét khối trở lên mới tịch thu phương tiện. Đây là quy định rất khó khăn cho lực lượng chức năng. Xử phạt hành chính nhẹ, do đó, các đối tượng vừa bị xử phạt lại tiếp tục vi phạm”.
Còn theo ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện Kbang, do nhu cầu cát xây dựng hiện nay rất lớn, nguồn lợi từ việc khai thác cát trái phép mang lại cao khiến tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra âm ỉ, kéo dài nhiều năm. Điều quan trọng lúc này là cần tăng cường quản lý nhà nước đối việc khai thác cát. Những mỏ cát lớn cần thực hiện đấu giá sớm còn những điểm bồi lắng cát, quy mô nhỏ cần có hướng giao thẩm quyền cho chính quyền cơ sở.
Ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện Kbang nói: “Qua khảo sát của huyện và Sở Tài nguyên vừa rồi có 4 điểm đấu giá cát. Sở Tài nguyên cũng đã đồng ý cho đấu giá nhưng hiện nay chưa đấu giá được. Còn lại các dòng sông suối nhỏ, các bãi cát nhỏ mang tính chất bồi lắng qua những đợt mưa, huyện đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên có giải pháp, thủ tục để các điểm bồi lắng qua hàng năm cho huyện tận thu, đóng góp vào ngân sách và xây dựng nông thôn mới, đơn giản thủ tục hành chính”.

Nguồn lợi từ việc khai thác cát trái phép mang lại cao khiến tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra âm ỉ, kéo dài nhiều năm?
Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện và bắt giữ 17 vụ khai thác cát trái phép. Trong đó, riêng lực lượng cảnh sát môi trường bắt giữ 14 vụ. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi, việc vi phạm các quy định về khai thác cát tại Gia Lai vẫn còn diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi có sự thay đổi chế tài xử phạt cũng như cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, lực lượng chức năng, nhất là ở cơ sở./.

Người dân bị cát tặc hành hung

VOV.VN - Khi người dân phản đối khai thác cát lậu, các đối tượng cát tặc sử dụng hung khí để hành hung, một số người dân đã phải nhập viện.