Vụ cát tặc nhắn tin “khủng bố” Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh hồi tháng 3 vừa qua đã phơi bày một sự thật. Đó không chỉ là biểu hiện của một thế giới ngầm đang tung tác để rút ruột các dòng sông, mà còn là hành động ngang ngược nhằm đe dọa, thách thức chính quyền. Hoạt động của chúng hoặc là trực tiếp hay gián tiếp cũng đang thao túng cả việc cấp phép khai thác cát từ các cơ quan quản lý nhà nước.

cat_tac_vov_mnzd.jpg
Tàu hút cát trên sông Hồng.

Điểm lại những vụ việc khai thác cát trái phép bị triệt phá gần đây cho thấy, những vụ đình đám nhất đều do các tay anh chị “xã hội đen” cầm đầu, hoặc chúng đứng đằng sau các tổ chức, cá nhân được chính quyền cho phép khai thác cát.

Chính vì vậy, tại kỳ họp Quốc hội thứ 3 mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội, hiện là Trưởng Ban quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ trước khi nêu thẳng giữa nghị trường một thực tế. Đó là: các đối tượng “cát tặc” rất manh động, vì dưới lòng sông là cả một thế giới ngầm được “xã hội đen” bảo kê. Và đằng sau những ông trùm “cát tặc” lại có những người “chống lưng” cho họ.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ, Bộ Công an cho biết có dấu hiệu bảo kê của một số cán bộ thoái hóa biến chất trong cấp ủy, chính quyền từ xã đến cấp tỉnh.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ sáng hôm qua, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, cả nước hiện nay có 824 mỏ cát, sỏi  đã được cấp cho các doanh nghiệp khai thác, hơn 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch kết hợp tận thu khoáng sản khác, cũng đang được triển khai. Tất cả các điểm khai thác đều có chủ, được cấp phép đúng thẩm quyền và có nộp thuế cho Nhà nước hẳn hoi; nhưng khi họ tổ chức khai thác thì lại cố tình sai phạm và trở thành “cát tặc”.

Biểu hiện rõ nhất của các đối tượng này là “cấp phép một đằng, khai thác một nẻo”; giấy phép chỉ cấp cỡ 1.000 m3, nhưng lại hút trộm thêm gấp bảy tám lần; thậm chí có nơi gấp cả mấy chục lần; giấy phép chỉ qui định cho hút cát giữa sông, nhưng khi đêm xuống lại thò vòi vào bờ hút cát ào ạt...

Thượng tướng Lê Quý Vương nói: “Những đối tượng khai thác cát thường hoạt động vào ban đêm, lợi dụng ngày nghỉ lễ. Nổi lên tình trạng sạt lề hai bên bờ sông tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân của tình trạng trên được đánh giá là do mất cân bằng bùn cát từ việc khai thác cát mà chủ yếu là hoạt động khai thác cát trái phép. Một số địa phương do tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở mất đất canh tác, nhân dân sở tại đã tự lập ra các "chốt" nhằm ngăn chặn, chống lại hoạt động khai thác cát trái phép như ở các tỉnh Hải Dương, An Giang”.

Tàu ngang nhiên hút cát trái phép trên sông Lục Nam Bắc Giang.

Tại Hà Nội, theo điều tra của Sở TN-MT thành phố, hiện trên các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ và sông Cầu đoạn chảy qua địa bàn Thủ đô có 18 khu vực khai thác cát, trong đó có tới 13 khu vực không phép, sai phép. Trên địa bàn thành phố hiện cũng có 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, nhưng chỉ có 17 bãi hợp pháp số còn lại hơn 90% là bất hợp pháp; trong đó, chỉ riêng tuyến đê Hữu Hồng có tới 112 bãi. Tại các tỉnh như Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình và Đồng Nai cũng vậy. Không chỉ cát tặc liên tục hoành hành mà sự quản lý thiếu chặt chẽ của các địa phương này tại một số mỏ cát đang gây ra những khiếu kiện phức tạp.

Trước thực tế này, dư luận đặc câu hỏi: Liệu đằng sau các nhóm cát tặc có thế lực nào chống lưng hay không? Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc khai thác cát trái phép, sai phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi nhưng không dừng lại được, vì nó mang lại một nguồn lợi lớn nên dễ dẫn đến nhóm lợi ích: “Chính quyền ở nhiều địa phương là gần như bó tay trước tình trạng này trong khi chính quyền có đủ lực lượng để ngăn chặn. Nhiều trường hợp người dân đấu tranh, ngăn chặn nhưng chính quyền không giải quyết dứt điểm, đây là những điều trên thực tế đã diễn ra. Tôi cho rằng, ở đây có thể đặt vấn đề có lợi ích nhóm trong câu chuyện quản lý khai thác cát”.

Còn ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Đàm Đình Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết: nguyên nhân chính dẫn đến những “lình xình” ở Bắc Ninh thời gian qua, trước hết là do việc cấp phép khai thông luồng tuyến để tận thu cát sỏi trên sông Cầu chưa được rõ ràng và quản lý sâu sát: “Vấn đề nổi cộm trong các dự án nạo vét là thời gian cho thực hiện dự án kéo dài có dự án 5 năm, có dự án 7 năm. Công tác hoạch định phao tiêu để giám sát không rõ ràng, việc tổ chức giám sát trong dự án còn bất cập bởi vì đơn vị thi công dự án nạo vét do Cục Đường thủy chỉ định, đơn vị tư vấn giám sát lại do chính đơn vị thi công chỉ định, nếu cơ chế như thế thì có bất cập.”

Công tác quản lý buôn bán cát ở nhiều địa phương kém hiệu quả.

Như vậy, vụ việc ở sông Cầu, Bắc Ninh là biểu hiện rõ nhất của việc cấp phép khai thác cát tận thu, nhưng thực tế lại tiếp tay cho hoạt động của “cát tặc”. Và nếu như 14 dự án được Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông vận tải đã cấp phép triển khai trong năm nay vẫn làm theo lối này thì sông lở, nhà trôi, đất mất… là điều không tránh khỏi.

Theo các chuyên gia kinh tế, khai thác cát dưới lòng sông rất đơn giản, nếu các doanh nghiệp được cấp quyền khai thác cát phải đóng các loại thuế, phí bảo vệ môi trường, cát khai thác được phải bán với giá 75.000 đồng/m3 mới có lãi. Trong khi đó, hút cát trộm không phải đóng các loại thuế, phí nên một khối chỉ bán ở mức 45.000 đồng là đã có lãi rồi.

Như vậy, một tàu hút cát, sau 1 năm, trừ các chi phí đã kiếm lời được từ 3-5 tỷ đồng. Thật khó có ngành buôn bán gì có thể mang lại siêu lợi nhuận “khủng” như kinh doanh cát lậu. Bởi vậy, tại kỳ họp Quốc hội khóa mới đây, ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh nêu nhiều câu hỏi mà chưa ai tìm được lời giải. Đó là, lợi nhuận khai thác cát đang chảy vào túi của ai? Nhà nước được bao nhiêu? Tư nhân được bao nhiêu? Tư nhân đó là ai?.

Chúng tôi tiếp tục đề cập vấn đề này trên góc độ khai thác cát ở mức nào là hợp lý để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng của xã hội./.