Sáng 18/3, ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual với dữ liệu được đơn vị này công bố là " thu thập từ 14 trạm kiểm soát không khí", gồm 10 trạm thuộc chính phủ cũng thông tin về chỉ số môi trường Hà Nội đã cải thiện hơn rất nhiều so với những tháng ngày trước đó, ghi nhận vào 6h55 phút sáng 18/3, chỉ số chất lượng (AQI) đã về mức 56.

vov55_kpew.jpg
Sáng 18/3, chất lượng không khí ở Hà Nội được cải thiện ở mức tốt.

Trong khi đó theo ghi nhận tại 11 trạm quan trắc môi trường tự động. Hai trạm cố định đặt tại phố Trung Yên 3 và phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm), quan trắc 6 thông số ô nhiễm là PM10, PM2.5, NO2/NO/NOx, CO, SO2 và O3 của Chi Cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội) vào 8h sáng 18/3 cho kết quả AQI ở mức 36 tương đương là mức Tốt (không ảnh hưởng tới sức khỏe).

Theo số liệu đo của PAM Air vào lúc 7h04 sáng cùng ngày cho kết quả đo với các chỉ số chủ yếu là màu xanh (mức độ bình thường). Số liệu đo vào lúc 7h04 ngày 18/3 của trạm quan trắc cố định đặt tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với tên miền enviinfo.cem.gov.vn cho chỉ số ở 48. Trong khi đó chỉ số chất lượng không khí trên cả nước cũng dịu nhẹ khi đề về mức độ tốt hoặc mức ít nguy hại.

Số liệu qua trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Theo chuyên gia về môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, chất lượng không khí ở Hà Nội được cải thiện theo hướng tốt trong ngày 18/3 có thể giải thích với nhiều điều kiện tác động như nhiều hoạt động giảm như giao thông đi lại, sản xuất, kinh doanh,...Tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn là do tình hình thời tiết, khi trong đêm và sáng nay 1 đợt không khí lạnh tràn về ảnh hưởng tới miền Bắc và Hà Nội gây ra hiện tượng mưa, gió khiến cho chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt”.

TS. Hoàng Dương Tùng

Như đã đưa tin trước đó, theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 2 tháng đầu năm 2020, chất lượng không khí ở Việt Nam tiếp tục có những diễn biến xấu về chất lượng không khí ở một số đô thị khu vực miền Bắc và miền Nam, đặc biệt là tại TP. Hà Nội.

Tại Hà Nội, trong tháng 1/2020, giá trị quan trắc trung bình 24h các trạm có 9 ngày vượt quá giới hạn so với QCVN, riêng trong tháng 2 (từ ngày 1/2 đến ngày 24/2) đã có 14 ngày vượt QCVN.

Diễn biến chỉ số AQI ngày tại các trạm ở Hà Nội từ ngày 1/1 đến 29/2/2020.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, tại Hà Nội, chỉ có 7 ngày chất lượng không khí ở mức tốt (AQI<50), 9 ngày chất lượng không khí ở mức xấu (AQI>150), những ngày còn lại chất lượng không khí nằm ở mức từ trung bình đến kém. Một số thời gian giá trị trung bình 24h của thông số PM2.5 tăng lên rất cao (vượt từ 2 - 3 lần giới hạn cho phép của QCVN), ví dụ như các ngày 1/1, 13/1 đến ngày 14/1, ngày 2/2 và ngày 20-23/2. Sự thay đổi của các hoạt động sản xuất, sinh hoạt có tác động rất lớn tới chất lượng môi trường không khí.

Điều này thể hiện rõ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 29/1, chất lượng không khí của thủ đô được đánh giá ở mức tốt, giá trị trung bình 24h của thông số PM2.5 thấp hơn giới hạn so với QCVN nhiều lần. Đây là thời gian Tết Nguyên đán, lượng phương tiện tham gia giao thông rất ít, các hoạt động sản xuất, dịch vụ… cũng ít nên chất lượng không khí của thủ đô có sự cải thiện đáng kể (Biểu đồ 3).

Trong khoảng thời gian giữa tháng 2, từ ngày 14/2 đến ngày 21/2 kết quả quan trắc cho thấy, giá trị thông số PM2.5 có xu hướng liên tục tăng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 20/2 đến ngày 23/2 giá trị PM2.5 rất cao. Giá trị trung bình 24h của thông số PM2.5 ngày 21/2 vượt quá gần 3 lần so với giới hạn trong QCVN (Biểu đồ 4). Tuy nhiên trong thời gian cuối tháng 2, thông số PM2.5 ở mức khá thấp.

Diễn biến giá trị TB 24 giờ thông số PM2.5 tại Hà Nội từ 1/1 đến 29/2/2020.

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm của Hà Nội từ ngày 1/1 đến ngày 29/2/2020 cho thấy, có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100). Riêng ngày 21/2 là ngày có chất lượng không khí kém nhất trong khoảng thời gian nêu trên (mức rất xấu ở đa số các trạm).

Đặc biệt, trong khoảng thời gian giữa tháng 2, kết quả tính toán AQI giờ của 3 ngày (từ ngày 20 - 23/2) có chỉ số AQI giờ ở mức rất xấu (>200) ở nhiều trạm. Đặc biệt tại trạm Mỹ Đình, chất lượng không khí đã ở mức nguy hại vào 2h sáng ngày 21/2. Từ ngày 24/2 đến cuối tháng 2, tình trạng sương mù đã giảm đi và chất lượng không khí cũng có sự cải thiện hơn.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong đêm 17/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Đông Bắc Bộ. Tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa rào và dông nhiều nơi với lượng mưa phổ biến 10-30mm, có nơi trên 30mm như Phố Ràng (Lào Cai) 37mm, Tuyên Quang 33mm,…

Không khí lạnh tràn về khiến mưa phùn ở Thủ đô Hà Nội.

Dự báo ngày 18/3, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác của phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.  

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao nên ngày hôm nay (18/3) các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa rào và dông nhiều nơi (lượng mưa phổ biến 10-20mm/12h), riêng vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa 20-40mm/12h, có nơi trên 50mm). Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ đêm nay mưa giảm dần.

Ở Bắc Bộ trời lạnh với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 18-20 độ; riêng các tỉnh vùng núi phía Bắc trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 15-18 độ.

Tại khu vực Hà Nội trong ngày 18/3, có lúc có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Trời lạnh với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 18-20 độ. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1./.