1001 lý doCó hàng nghìn lý do để người ta làm TSV giả. Một trong những nhu cầu  khó ngờ nhất là làm TSV để gian lận ưu đãi khi dùng điện thoại di động.  Lợi dụng sự ưu ái của một số nhà mạng, rất nhiều người đã “thửa” cho mình một chiếc TSV chỉ để đi đăng ký… sim sinh viên. Đây là một gói cước được ưa chuộng vì giá rẻ trong khi chất lượng dịch vụ chẳng hề thua kém những sim thông thường khác. Một lý do khác, theo Thạc sỹ Nguyễn Văn Phóng, giảng viên Khoa Địa chất công trình, trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, vì số lượng sinh viên nhà trường khá đông, hiện nay để quản lý người ra vào, nhà trường ra yêu cầu bắt buộc giảng viên, sinh viên phải đeo thẻ khi đến trường. Do đó cũng xuất hiện một số trường hợp sinh viên tiêu xài quá đà, cầm cố cả TSV nên để vào trường được, họ đã đi làm TSV giả nhằm qua mặt sự quản lý của các giáo viên. 

the_sv_gia1_oabj.jpg
Rất nhiều người tìm đến các trang mạng để làm thẻ sinh viên giả
Hiện nay, TSV của hầu hết các trường đều là những miếng nhựa PET, nhưng phần con dấu lại không được dập nổi như những chiếc thẻ giấy trước đây. Do đó kẻ làm giả chỉ cần chỉnh sửa photoshop khéo một chút là sẽ cho ra những chiếc TSV giả có hình dáng, màu sắc gần như y hệt so với thẻ thật.  Chỉ với 170 nghìn đồng, thậm chí còn rẻ hơn, là bất kỳ ai cũng có thể sở hữu một chiếc TSV giả.

Dù được quảng cáo công khai trên mạng, nhưng hầu hết tất cả các giao dịch mua bán TSV đều được thỏa thuận kín đáo bằng tin nhắn điện thoại hoặc chat trên mạng xã hội. Nhiều chiếc TSV được làm giả tinh vi đến nỗi nếu quan sát bằng mắt thường, cán bộ nhà trường cũng không thể phân biệt được đâu là thẻ thật, đâu là thẻ giả. Chính vì vậy, nhiều kẻ xấu đã dùng TSV giả để gây ra những hành vi phạm pháp.

Cần quản lý chặtMới đây, CAQ Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã triệt phá một ổ nhóm chuyên làm giả TSV liên tỉnh, bắt 4 đối tượng gồm: Nguyễn Tiến Việt (SN 1993, trú tại thị trấn Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); Nguyễn Văn Cường (SN 1996, trú tại quận Dương Kinh, Hải Phòng); Đoàn Duy Thắng (SN 1996, trú tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) và Nguyễn Hồng Lĩnh (SN 1991, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy). Trong vụ án này, Nguyễn Tiến Việt là đối tượng trực tiếp  quảng cáo, rao bán TSV giả trên mạng xã hội, các đối tượng còn lại là người mua để sử dụng vào mục đích phạm tội.

Cụ thể, sau khi mua được TSV giả, các đối tượng đã mang đến các hiệu cầm đồ để lừa đảo, cầm cố lấy tiền tiêu xài. Từ tháng 12-2015 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã mang TSV giả đi nhiều nơi để cầm cố và tại hiệu cầm đồ của anh Nguyễn Thành Trung (ở phố Tân Triều, quận Thanh Xuân, Hà Nội), chúng đã cầm cố vay 10 triệu đồng chia nhau.  Trước đó, năm 2014 tại TP Hồ Chí Minh, trong lần kiểm tra đột xuất tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, lực lượng công an đã phát hiện 24 người sử dụng TSV giả. Thậm chí có trường hợp dùng cả CMND giả để thi hộ môn Anh văn trong kỳ thi học kỳ I. Theo Thiếu tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, CAQ Bắc Từ Liêm, vụ 4 đối tượng làm và sử dụng TSV giả đi lừa đảo cho thấy, đây là thủ đoạn mới khá tinh vi của tội phạm. Đặc biệt chúng có hiểu biết về công nghệ thông tin và lên kế hoạch rất bài bản từ phương thức liên hệ, giao hàng cho tới địa bàn hoạt động được thay đổi trên phạm vi rộng. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có nhiều công ty được cấp phép cung cấp thẻ nhựa PET và họ cũng sẵn sàng bán phôi thẻ cho những đại lý cấp thấp hơn. Vì thế, nếu có nhu cầu làm TSV giả, các đối tượng không hề khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu.

Do đó để ngăn chặn tình trạng vi phạm trên, các trường cần có biện pháp tuyên truyền, quản lý TSV chặt chẽ hơn. Đối với các cơ sở kinh doanh như hiệu cầm đồ, khi phát hiện các đối tượng có hành vi vi phạm cần báo cho cơ quan công an để phối hợp bắt giữ./.