Do ảnh hưởng của bão số 3, tỉnh Nghệ An đã có 1 người chết (cháu Nguyễn Đức Sơn, 10 tuổi, xóm 3, xã Tân Sơn, huyện Tân Kỳ); 16 ngôi nhà bị ngập, 6 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi… nhiều tuyến giao thông trên địa bàn bị sạt lở, ngập nước và hiện vẫn bị ách tắc.
Trong đó, quốc lộ 48E bị ách tắc tại 3 vị trí; quốc lộ 16 đoạn qua xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn ngập trên 1m, tại Km 340 bị sạt taluy; đường tỉnh 543 tại Km 8 + 450 và Km 9 + 500 bị ngập nước, sạt lở, buộc phải đóng đường; tuyến đường từ thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn đi xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn bị ngập 4 điểm; cầu tràn trên tuyến đường Na Ngoi đi Keng Đu bị ngập nước, người và phương tiện không lưu thông được…
Ông Kỳ nói: “Hiện nay, các tuyến đường hầu như đã được khắc phục ổn định. Kể cả các tuyến quốc lộ 16 đoạn dẫn vào xã Mỹ Lý đến đêm qua vẫn bị cô lập do nước lũ dâng thì hiện cũng đã ổn định. Ngành Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt để nhanh chóng thông đường trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, cử người gác tại những chỗ nguy hiểm để hướng dẫn cho người dân qua lại. Dự kiến, trong ngày hôm nay, toàn bộ các tuyến của Nghệ An sẽ được khắc phục để lưu thông bình thường”.
Một số điểm ách tắc giao thông tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa), đường quốc lộ 2B Hợp Châu - Tam Đảo, đoạn Vĩnh Yên – thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc)… đến trưa nay cơ bản cũng đã khắc phục xong.
Tại huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), mưa lớn đã gây ngập úng gần 500ha lúa và hoa màu; sạt lở 20m bờ sông thuộc đê Tả Thao, ảnh hưởng nghiêm trọng tuyến đường giao thông tỉnh lộ 320, sạt 25m tại xã Minh Côi cũng gây ảnh hưởng đến quốc lộ 32C và sạt lở một số tuyến giao thông nông thôn tại thị trấn Hạ Hòa, xã Hiền Lương…
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hạ Hòa cho biết: “Xí nghiệp thủy nông của tỉnh đóng trên địa bàn huyện đã cho xả nước các hồ đập để tránh trường hợp nước dâng quá cao làm vỡ đập. Còn lại tất cả các hồ trên địa bàn huyện vẫn an toàn vì đã chủ động tháo nước từ trước. Hiện mực nước vẫn trên báo động 3 gần 60cm, vì vậy, tất cả các thành viên ban chỉ huy đều đang ở các điểm xung yếu đề phòng nước tiếp tục tràn, chủ động khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn hồ đập”.
Tính đến chiều nay, hầu hết các địa phương không còn mưa, tuy nhiên, mực nước sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ, sông Lục Nam… vẫn ở mực cao và đang xuống chậm.
Trước tình hình mực nước tại hạ lưu vẫn ở mức cao, việc tiêu thoát nước gặp khó khăn, ngành Nông nghiệp các địa phương chỉ đạo các công ty thủy lợi chủ động xả tràn, tính toán lưu lượng cần thiết phải xả đệm tại các hồ chứa, đảm bảo an toàn cho khu vực hạ lưu.
Cùng với đó, tập trung khơi thông dòng chảy, kịp thời tiêu úng bảo vệ lúa và hoa màu cho nhân dân; đôn đốc, hướng dẫn nhân dân khẩn trương thu dọn, vệ sinh nhà cửa, đảm bảo môi trường khi nước rút.
Hiện mực nước hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) đang lên. Để đảm bảo an toàn hồ Đại Lải, hạn chế ngập úng cho hạ du, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc ra lệnh xả tràn với lưu lượng xả từ 10m3/s đến 200m3/s tùy theo diễn biến tình hình mưa lũ, xả lũ đảm bảo đúng theo quy trình, quy phạm vận hành an toàn hồ chứa.
Đồng thời, thông báo cho các địa phương vùng hạ du đập (vùng ảnh hưởng) về tình hình xả đệm qua tràn để các địa phương có phương án phòng tránh ngập úng và lập các chốt canh gác tại các ngầm bị ngập, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.
Ông Phạm Văn Long, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Đến thời điểm này, các hồ đập trong địa bàn tỉnh vẫn an toàn. Các đơn vị thủy lợi và phòng chống thiên tai vẫn duy trì trực 24/24 giờ, thường xuyên kiểm tra khi phát hiện hư hỏng là kịp thời xử lý. Chúng tôi bố trí người canh trực tại các ngầm, tràn, không cho bà con qua lại gây nguy hiểm tính mạng. Các khu vực ở hạ du trong vùng ảnh hưởng đều được thông báo rõ ràng trước khi xả nước để bà con đề phòng, chuẩn bị. Kể cả các vùng hạ lưu có nguy cơ tràn bờ bao cũng thông báo”./.