Trước diễn biến phức tạp bão số 5, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 57.000 phương tiện để chủ động tránh trú và di chuyển đến nơi an an toàn.

vov_2_lcgl.jpeg
Tàu du lịch neo đậu tại cảng.

Cụ thể hoạt động trong khu vực nguy hiểm có 557 tàu, gồm Quảng Nam 11, Quảng Ngãi 166, Bình Định 40, Khánh Hòa 47, Bình Thuận 06, Phú Yên 287). Hiện có 02 tàu bị sự cố là tàu BĐ 98413 TS đang được các tàu trong tổ đội đang hỗ trợ kéo ra ngoài phạm vi nguy hiểm; tàu BĐ 96389 TS, đã được tàu Hải quân (KN411) đã tiếp cận và lai dắt vào đảo Phú Quý để tránh bão.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, khu vực, vùng nuôi trồng thủy sản trong ảnh hưởng của bão có trên 93 nghìn ô lồng tại Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Còn về diện tích lúa chưa thu hoạch trong vùng ảnh hưởng, tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ có hơn 64.000 héc ta và tại tỉnh vùng Tây Nguyên có 28.000 hécta. Đáng lưu ý là  tình hình đê biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có 08 vị trí đê, kè biển xung yếu cần quan tâm và 02 tuyến kè biển đang thi công. Khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực chịu ảnh hưởng bão số có số dân cư đông đúc, kinh tế phát triển nhiều đô thị lớn và khu du lịch, nghỉ dưỡng, dọc dải ven biển và trên các đảo có khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến nay, 12 tỉnh và thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận ban hành công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó và dự kiến cấm biển trong ngày hôm nay. 

Người dân chằng chống nhà cửa.

Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đề nghị các lực lượng chức năng khẩn trương đôn đốc kêu gọi 575 tàu, thuyền trong khu vực nguy hiểm; Kiểm soát việc thực hiện cấm biển, đảm bảo các phương tiện không được hoạt động; Hoàn thành việc di dời, đảm bảo người không ở tại trên lồng, bè, khu nuôi trồng thủy sản. Thông báo và hướng dẫn khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài tại các khu du lịch, các đảo biết diễn biến của bão, mưa lũ sau bão để chủ động phòng tránh; Triển khai kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển.

Các địa phương ở khu vực miền núi, trung du tăng cường kiểm tra phương án, sẵn sàng sơ tán, di dời dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu. Đôn đốc, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công và các hồ nhỏ; Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, đồng thời bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 2.558 tàu thuyền, với hơn 15.600 lao động. Đến 16 giờ ngày 29/10, có 1.866 tàu thuyền đã neo đậu tại các bến, cảng trong tỉnh. Còn 692 tàu với hơn 5.500 lao động đang hoạt động đánh bắt trên biển, chủ yếu ở vùng biển các tỉnh phía Nam và tỉnh cũng đã liên lạc được. Ninh Thuận cũng đã bố trí cho 71 tàu của các tỉnh ngoài neo đậu an toàn.

Tại các địa phương ven biển của tỉnh Ninh Thuận, chính quyền các địa phương phối hợp lực lượng chức năng đã gấp rút kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn. Theo ghi nhận, từ sáng ngày 29/10, nhận được thông tin bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh, nhiều chủ tàu thuyền ở phường Đông Hải, TP Phan Rang- Tháp Chàm và các địa phương lân cận đã di chuyển tàu, thuyền vào tránh, trú an toàn tại Cảng cá Đông Hải. Hiện nay, tại Cảng cá Đông Hải đã có 349 tàu, thuyền vào tránh trú bão.

Tại Khánh Hòa, các địa phương ven biển của tỉnh khẩn trương kêu gọi những người còn ở trên các lồng bè ngoài biển nhanh chóng lên bờ. Thành phố Nha Trang khẩn trương di dời 3.700 hộ dân với trên 15.000 nhân khẩu tại 88 điểm xung yếu đến nơi an toàn.

Việc di dời dân sẽ hoàn thành trước 16h chiều nay. Trong khi đó, từ 6h sáng nay, hồ Suối Dầu tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu xả lũ với lưu lượng 6m3/giây, sau đó tăng dần, đến 10 giờ sáng đạt 35m3/giây. Việc hồ Suối Dầu xả lũ sẽ gây ngập tại các xã ven sông Cái thuộc các huyện Cam Lâm, Diên Khánh và thành phố Nha Trang

Một cơ quan trên đường Trần Phú, Nha Trang đã được gia cố sẵn sàng chống bão.

Trong sáng nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên thông báo cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày, hôm nay và ngày mai. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cũng chuẩn bị phương tiện đặc chủng, ca nô, xuồng máy có thể đi lại trong thời tiết xấu, địa hình bị chia cắt để phối hợp với các địa phương kịp thời sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bị sạt lở đất, sụt lún, triều cường.

Tại tỉnh Bình Định, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cho học sinh nghỉ học. Sáng nay, UBND tỉnh Bình Định chia làm nhiều đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, lượng lượng chức năng đã đến các vùng xung yếu vận động người dân chủ động phòng chống mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”, di chuyển đồ đạc lên cao.

Chiều nay (30/10), các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi khẩn trương di dời dân đang sống ở vùng xung yếu có nguy có sạt lở đến nơi an toàn.

Người dân xã Phước Đồng về Nhà văn hóa thôn để tránh bão.

Tại tỉnh Khánh Hòa, hơn 100 điểm có nguy cơ sạt lở, chủ yếu ở thành phố Nha Trang. Từ trưa nay, trên địa bàn tỉnh bắt đầu có mưa. Đến 16h chiều nay hoàn tất sơ tán khẩn cấp 3.800 hộ dân với hơn 15.500 nhân khẩu. Từ sáng nay, người già, trẻ em đã được đưa về các nhà văn hóa thôn, trung tâm thể thao để trú tránh.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, trước diễn biến khó lường của bão số 5, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các huyện miền núi, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cho các địa phương kiểm tra, rà soát lại các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao để có phương án di dời.

Hiện nay, các tàu thuyền trên biển đã nắm được thông tin về cơn bão số 5 để di chuyển né tránh. Đại tá Vũ Hồng Khanh, Phó Tham mưu trường Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi cho biết, Bộ đội Biên phòng tỉnh vẫn tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 5 nhanh chóng vào bờ tìm nơi tránh trú./.