Chiều 9/3, đại diện của VPF và Công ty Động Lực đã họp và đi đến thống nhất một số nội dung hợp tác tài trợ bóng thi đấu cho hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia năm 2016, chấm dứt hơn một tháng “ì xèo” giữa đôi bên.

Cụ thể, vụ việc bất đồng ý kiến trước đó khiến “lương duyên” vốn bền chặt bấy lâu nay giữa VPF và Động lực tưởng như đã tan vỡ, đặc biệt khi V-League 2016 trình làng trái bóng mang thương hiệu Grand Sport của Thái Lan.

dongluc_dgbl.jpg
VPF và Động lực "tái hôn" sau hơn một tháng không tìm được tiếng nói chung. (Ảnh: VPF).

Nhiều ý kiến cho rằng, VPF đã không ủng hộ, sử dụng thương hiệu Việt hay tệ hơn là “sính ngoại”, bởi trái bóng Grand Sport có giá thành còn đắt hơn cả Động lực đáng kể. Hơn thế nữa, không ít CLB ở V-League mùa này đều cho rằng các cầu thủ có quá ít thời gian để làm quen với trái bóng mới, thay vì thương hiệu Động lực bấy lâu nay bởi sự thay đổi đột ngột của BTC giải.

Gần một tháng “ì xèo” cũng là khoảng thời gian phía lãnh đạo VPF giữ yên lặng. Cho đến khi đơn vị tổ chức V-League công bố lý do không tiếp tục hợp tác với thương hiệu Việt thì mọi người mới “ngã ngửa” và hiểu lý do VPF giữ yên lặng bấy lâu nay.

Trái bóng Grand Sport (Thái Lan) được sử dụng trong 4 vòng đầu tiên của V-League 2016. (Ảnh: Ngọc Duy).

Theo VPF, phía Động lực vi phạm hợp đồng tài trợ từ trước với việc trong suốt hai năm 2014 và 2015, VPF đã tám lần gửi văn bản để yêu cầu chuyển tiền và sản phẩm theo hợp đồng tài trợ (mỗi năm là 1 tỉ đồng và 3.500 quả bóng cùng trang phục trọng tài), song Động Lực chi trả hết sức nhỏ giọt. Tổng kết lại số nợ của Động Lực với VPF khi kết thúc hợp đồng cũ vào cuối năm 2015 là 2,2 tỉ đồng cùng 3.054 quả bóng.

Và VPF quyết định dùng bóng Grand Sport (Thái Lan) – dù không ký hợp đồng chính thức, trong những vòng đấu đầu tiên ở V-League 2016 để gây áp lực với Động lực, bất chấp việc phải đối mặt với sức ép từ dư luận về việc người Việt không ủng hộ thương hiệu Việt Nam.

Ngay lập tức, doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng vào cuộc với việc cung cấp 2.000 quả bóng cho VPF với mức giá chỉ còn 60% so với ban đầu, cùng lời mời chào để nhận “thầu” cung cấp bóng cho V-League trong những năm tới.

Sự nhanh nhạy của doanh nghiệp Thái Lan thực sự là “nút thắt” để Động lực quyết định bằng mọi cách “tái hôn” cùng VPF và bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao trong nước nói chung.

Với cam kết giải quyết tất cả các tồn đọng nợ cũ, cam kết sẽ cung cấp bóng tiêu chuẩn FIFA với thiết kế riêng cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và không để tồn đọng như thời gian vừa qua làm ảnh hưởng đến giải, bóng Động lực cùng thương hiệu này sẽ trở lại V-League từ vòng 5 tới. Ngoài ra, công ty Động Lực cũng xin đăng ký tài trợ bóng cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, trước mắt là ngay từ vòng 5 V-League 2016.

Rõ ràng khi V-League đang từng bước chuyên nghiệp hóa, việc các thương hiệu, nhà tài trợ đồng hành cũng cần phải đảm bảo tiêu chí này, theo đúng như cách VPF xử lý “khủng hoảng” thời gian qua với Động lực.

Xin trích phát biểu của đại diện VPF trong thương vụ đàm phán này, thay cho lời kết: “Là một doanh nhân Việt Nam, hơn ai hết, tôi luôn đề cao việc người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Chúng tôi luôn ủng hộ Động Lực chứ không hề có chuyện làm khó cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đổi lại Đông Lực cũng phải làm việc cho chuyên nghiệp trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi”./.