Ngày 17/8 tới đây, giải Ngoại hạng Anh sẽ chính thức khởi tranh trở lại với một điểm mới, có thể tạo nên một cuộc cách mạng thay đổi nền bóng đá thế giới. Đó là việc hệ thống giám sát bàn thắng trên vạch vôi – Hawk Eye – sẽ chính thức được đưa vào sử dụng ở trận đấu giữa Liverpool và Stoke City.
Đến nay, dù FIFA đã chính thức chấp thuận việc cho phép sử dụng công nghệ Hawk Eye trong các trận đấu bóng đá, tuy nhiên, quan điểm của những người trong cuộc vẫn trái ngược nhau. Mới đây nhất, trung vệ kỳ cựu, Rio Ferdinand, bất ngờ lên tiếng phản đối Hawk Eye.
Premier League chính thức sử dụng công nghệ Hawk Eye từ 17/8 (ảnh: Getty) |
Tuy nhiên, trung vệ Rio Ferdinand của Man United lại bày tỏ quan điểm phản đối việc sử dụng công nghệ vào bóng đá, bởi đó không phải là điều các CĐV mong muốn. Vẻ đẹp thực sự của mỗi trận cầu chính là những tranh cãi về những sự ngớ ngẩn trong bóng đá, đã xảy ra ở trận đấu đó. Việc thiếu công nghệ Hawk Eye từng giúp Man United của trung vệ 34 tuổi này tránh khỏi một bàn thua, trong trận đấu vào tháng 1/2005, khi tiền vệ Pedro Mendes của Tottenham lốp bóng qua đầu Roy Carroll của M.U từ khoảng cách 35m, trái bóng rõ ràng nằm sau vạch vôi tới 1m, nhưng trợ lý trọng tài không quan sát thấy. United hòa 0-0 ở trận đó. Tuy nhiên, tuyển Anh cũng bị loại đau đớn khỏi tứ kết World Cup 2010, khi cú sút của Frank Lampard chiến thắng được Manuel Neuer, nhưng bàn thắng không được công nhận. Tuyển Anh thua Đức 1-4.
Đến nay, việc sử dụng công nghệ Hawk Eye vào bóng đá vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi, dù FIFA từng phản đối công nghệ này, nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận cho phép nó hoạt động ở các trận đấu bóng đá, thậm chí là cả giải đấu do FIFA tổ chức. Nước Anh là nơi có những tiếng nói trái ngược nhau rõ rệt nhất về công nghệ Goal-line này. Tổng thư ký LĐBĐ Anh, Alex Horne, khi đó đã gọi quyết định này là một sự kiện bước ngoặt đối với nền bóng đá thế giới. Cựu trọng tài FIFA, Graham Poll, cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ sử dụng Goal-line để hỗ trợ các trọng tài. “Điều chắc chắn Goal-line sẽ còn khiến mọi người phải tranh cãi.
Nhưng rõ ràng là có những công nghệ mà họ không thể bỏ qua để giúp cho các trận đấu trở nên rõ ràng hơn. Tất nhiên là sẽ có người ủng hộ hoặc phản đối, cảm xúc sẽ trái ngược nhau. Điều quan trọng là ở đó đã có những công nghệ cảnh báo cho trọng tài khi đưa ra quyết định. Hãy xem, Hawk Eye đã được sử dụng ở Wimbledon và các trọng tài đã làm rất tốt công việc của mình. Bây giờ, các cầu thủ cũng sẽ có cơ hội để tôn trọng quyết định của trọng tài, thay vì những tranh cãi không cần thiết”.
Steve Carter, Giám đốc quản lý công ty Hawk-Eye, cho biết: “Các camera giám sát được đặt cố định, chúng sẽ tự động xác định trái bóng bằng các hình ảnh khác nhau. Khi quả bóng đi qua vạch vôi, ở máy chủ sẽ phân tích vị trí của trái bóng bằng hình ảnh 3D. Và một khi bóng đã đi qua vạch vôi, chúng tôi lập tức gửi một tín hiệu tới đồng hồ của trọng tài để cảnh báo cho ông ta trong vòng 1 giây, rằng bóng đã đi qua vạch vôi và đó có thể là bàn thắng hợp lệ. Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài”.
Bóng đá có thực sự cần công nghệ Goal-line hay không vẫn là chủ đề tiếp tục được tranh luận gay gắt. Người hâm mộ có thực sự mất đi niềm vui và cảm xúc khi tranh cãi về những bàn thắng nhạy cảm được công nhận hay bị từ chối bởi trọng tài, đó là câu hỏi sẽ khó có câu trả lời cuối cùng. Điều chắc chắn duy nhất, từ ngày 17/8 tới, các trọng tài làm việc tại Premier League có thể yên tâm tới 99% khi đưa ra một quyết định nào đó về một tình huống trước và phía sau vạch vôi khung thành./.