Đứng thứ 9/10 các đội xếp thứ hai ở các bảng đấu trước khi vòng đấu cuối cùng diễn ra sau thất bại 0-2 trước Olympic Nhật Bản, đồng nghĩa thầy trò HLV Miura đứng trước cánh cửa quá “hẹp” để tiến tới VCK giải U23 châu Á 2016 diễn ra ở Qatar.

Thế nhưng, việc các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Myanmar, Indonesia, Uzbekistan hay Lào thất thủ ở lượt trận cuối, thậm chí là thua “đậm” cùng thắng lợi 7-0 hoành tráng trước Macau đã giúp Olympic VN “lách” qua khe cửa hẹp để giành tấm vé tới VCK giải U23 châu Á diễn ra sang năm đầy thuyết phục, bất chấp việc bảng B vẫn chưa thi đấu.

ovn_omacau15_tvmq.jpgOlympic VN "đè bẹp" Macau ở lượt trận cuối (Ảnh: C.C)

Không phủ nhận, chúng ta có chút may mắn khi cơn mưa khiến trận đấu giữa Olympic VN và Macau bị gián đoạn ở thời điểm đó giúp thầy trò HLV Miura nắm được nhiều hơn về tình hình thi đấu ở các bảng. Nhưng, may mắn luôn là một phần trong bóng đá và càng không thể quên rằng, tất cả mọi việc đều nằm trong tính toán của chiến lược gia người Nhật.

Việc “thẳng tay” áp dụng giáo án “nhồi” thể lực với các học trò, bất chấp những rủi ro ngoài mong muốn từ “cơn bão” chấn thương trong đợt tập trung của HLV Miura đã giúp các cầu thủ Olympic VN tỏ ra không hề kém cạnh về sức trước người Mã và đặc biệt là ở trận đấu phòng ngự kín kẽ đối phó với Nhật Bản.

Công Phượng tỏa sáng với bàn thắng ấn định thắng lợi 2-1 trước người Mã (Ảnh: Nhung Trần)

Chơi “sòng phẳng” trước đội chủ nhà ở ngày ra quân để ngược dòng thắng thuyết phục (2-1), phòng thủ số đông khi gặp đối thủ vượt trội Nhật Bản để hạn chế các bàn thua (0-2) và cả mục tiêu ghi 7 bàn vào lưới Macau của HLV Miura đều được Công Phượng và các đồng đội thực hiện triệt để.

Những toan tính đường dài của nhà cầm quân sinh năm 1963 được tập thể gắn kết và chơi kỷ luật, Olympic VN cụ thể hóa theo cách không thể hoàn hảo hơn trên sân cùng thành quả đầy xứng đáng là tấm vé hạng 2 tới Qatar vào năm 2016.

Thể lực dồi dào giúp Olympic VN duy trì được thế trận phòng ngự tốt trước Nhật Bản (Ảnh: Nhung Trần)

Có thể thấy rõ ràng qua 3 trận đấu vòng bảng, “cỗ máy” Olympic VN luôn vận hành trơn tru dưới các sơ đồ chiến thuật khác nhau, khi là 4-4-2 trước người Mã rồi chuyển sang 5-4-1 để hạn chế sức “công phá” của Nhật Bản, và cuối cùng là thế trận “siêu” tấn công 3-4-3 trước đối thủ “cửa dưới” là Macau; bất chấp việc HLV Miura không thể có những gương mặt ưng ý nhất vì chấn thương.

Không ít người hâm mộ đã hoài nghi về độ thích nghi và phong độ của Công Phượng cũng như lo lắng khi “gà son” Huy Toàn sớm chia tay giải sau trận đấu đầu tiên vì chấn thương… cùng công trình “ngổn ngang” của HLV Miura ở ĐT Olympic VN khi bước vào giải đấu trẻ châu lục.

Thế nhưng, chiến lược gia người Nhật Bản đã có câu trả lời đầy thuyết phục cho tất cả khi Công Phượng tỏa sáng rực rỡ và vị trí của Huy Toàn được Đức Huy khỏa lấp, trong khi hàng thủ của Olympic VN được gia cố chặt chẽ cùng lối chơi gắn kết, đường nét của toàn đội. Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất khi ông Miura “nói được, làm được” sau khi khẳng định bản thân không hề bị áp lực trước giải đấu lớn.

Dẫn dắt Olympic VN giành vé tới Qatar thuyết phục- dấu ấn và toan tính chiến lược của HLV Miura (Ảnh: Nhung Trần)

Mục tiêu đầu tiên đề ra là giành vé tới VCK giải U23 châu Á đã hoàn thành. Như phát biểu của lãnh đạo VFF rằng “thành công và phương hướng sắp tới của Olympic VN cần dè dặt và tính toán kỹ lưỡng ở đấu trường châu lục” và câu chuyện ngỡ chỉ là vui đùa ngày “Cá tháng Tư” đã trở thành sự thật.

Mặc dù vậy, thành công bước đầu trong hành trình vươn ra “biển lớn” của Olympic VN sẽ là động lực tinh thần lớn lao để thầy trò HLV Miura tự tin hơn với mục tiêu chinh phục “vàng” ở SEA Games diễn ra sắp tới ở Singapore và xa hơn nữa là những màn trình diễn ấn tượng khác ở Qatar năm 2016./.