Cách đây 4 năm, giá bản quyền truyền hình mà tập đoàn truyền thông Densu đưa ra cho các nhà đài Việt Nam là 3 triệu USD. Nhưng chỉ sau một kì World Cup, con số này đã tăng chóng mặt lên mức hơn 3 lần, lên 10 triệu USD cho việc phát sóng 64 trận đấu. Tương đương khoảng 3,3 tỉ đồng để phát sóng một trận đấu World Cup.

Theo những thông tin ban đầu, tập đoàn truyền thông MP&Silva đã thắng thầu với mức phí khoảng 7 triệu USD, vượt qua chính Densu (trả 5 triệu USD) cho gói phát sóng World Cup tại Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trước mức giá "khủng" 10 triệu USD mà MP&Silva muốn chào bán lại, nhiều nhà đài ở Việt Nam đã tỏ ra không mấy mặn mà.

worldcup.jpg
Việc cạnh tranh giữa các nhà đài Việt Nam là cơ sở để đối tác ngoại "ép giá". (ảnh minh họa: AP)

Theo ông Vũ Quang Huy (Phó giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC) thì mức giá quá cao này "khó chấp nhận" và VTC sẽ không theo đuổi một cuộc đua tốn kém đến như vậy: "Mức giá mà MP&Silva đưa ra rõ ràng là quá cao nên trong thời gian tới, cần có sự điều tiết của cơ quan Nhà nước, cùng sự đoàn kết của các nhà đài."

Khi phần lớn các nhà đài đều có phần e ngại trước mức giá cao mà đối tác đưa ra, thì VTV khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán để đạt được một mức giá hợp lý, chứ không từ bỏ cuộc đua. Trao đổi với phóng viên VOV online, đại diện của VTV (không muốn tiết lộ tên) cho biết: "Mọi vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình World Cup vẫn đang trong vòng đàm phán. Mục tiêu của VTV là mua được bản quyền ở mức giá hợp lý, có khả năng cân đối giữa thu và chi."

Bên cạnh VTV, một nhà đài khác được cho là quan tâm đến bản quyền World Cup là Viettel. Với tham vọng lấn sân sang truyền hình cáp, nếu giành được bản quyền World Cup có thể là một "cú hích" lớn đối với truyền hình Viettel. Bên cạnh đó, con số 10 triệu USD không phải là quá lớn đối với một đơn vị có tiềm lực tài chính như Viettel.

Tuy nhiên, phía Viettel vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức về việc mua bản quyền truyền hình World Cup. Có thể hiểu, việc đàm phán liên quan đến bài toán kinh tế và các nhà đài đều "kiệm lời" trong việc này để bảo toàn bí mật đàm phán của mình.

Một sự thật rõ ràng khi các đối tác nước ngoài đã nhận thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực truyền hình ở Việt Nam. Đây là cơ sở để họ tâng giá ở tất cả các gói bản quyền truyền hình "hot", năm sau cao hơn năm trước. Có lẽ đã đến lúc các nhà đài cần ngồi lại với nhau để đưa ra phương án thống nhất, tránh việc bị các đối tác nước ngoài leo thang trong việc "ép giá" như những năm gần đây./.