Tình hình kinh tế bấp bênh cùng với khó khăn khác nhau ở mỗi bộ môn khiến cho cái Tết năm nay của các VĐV thể thao Việt Nam kém vui hơn nhiều...

Bóng đá: Thời xa vắng

Đã qua cái thời kỳ mà các ông bầu bóng đá xuống sân trao tận tay các cầu thủ con cưng những khoản thưởng rất lớn ngay sau trận đấu cuối năm, cũng đã qua rồi cái thời mà các ông bầu đua nhau tăng mức thưởng cho các cầu thủ, vừa là để động viên, vừa là để “ra oai” với các CLB khác. Tình hình kinh tế ảm đạm cũng như những chuyện lùm xùm của bóng đá Việt Nam trong năm qua đã đẩy các đội bóng vào tình hình vô cùng khó khăn, không ít những ông bầu đã tuyên bố từ bỏ bóng đá.

amdam1.jpg
Bóng đá Việt Nam năm qua gặp nhiều khó khăn vì vấn đề kinh tế chung cũng như những lùm xùm nội bộ.

Năm ngoái, CLB Hà Nội T&T của bầu Hiển nằm trong top dẫn đầu về thưởng tết với mức thấp nhất là 15 triệu đồng/người. Nhưng năm nay thưởng tết của Hà Nội T&T chỉ có hai mức 5 triệu và 10 triệu, mà cũng rất ít người nhận được mức này. Tương tự, đội ĐKVĐ SHB Đà Nẵng cũng buộc phải “thắt chặt” tiền thưởng tết, cao nhất chỉ 5 triệu đồng/cầu thủ.

Kinh phí hoạt động eo hẹp là lí do mà hầu hết Ban lãnh đạo các đội bóng đưa ra, và mức thưởng theo đó cũng bị co lại, thậm chí với một số các CLB hạng nhất, các cầu thủ còn không được thưởng tết. Trong tình cảnh mà tránh được giải thể đã là may mắn lắm, thì họ cũng không dám đòi hỏi gì nhiều

Tất nhiên không phải là không có những đội bóng vẫn duy trì được “phong độ” như Hoàng Anh Gia Lai, khi mà Bầu Đức hứa sẽ giữ nguyên mức thưởng 1 tháng lương cho các cầu thủ cao nhất cũng lên tới 30 triệu đồng, nhưng đó chỉ là trường hợp hiếm hoi trong toàn cảnh bóng đá Việt Nam.

Khó khăn đâu chỉ ở bóng đá

Đến môn thể thao vua còn như vậy thì các môn khác không có hi vọng gì nhiều. Mức thưởng cho các VĐV ở các môn thể thao có thành tích cao năm qua cũng không được tăng, thậm chí một số VĐV đến giờ phút này còn chưa nhận được tiền thưởng từ những huy chương ở các giải quốc tế mà họ giành được.

Nữ hoàng đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc cho đến ngày 24 Tết âm lịch vẫn chưa nghe đến bất kỳ khoản tiền thưởng Tết nào cả. Hiện tại, Thanh Phúc chỉ trông chờ vào khoản lương 15 triệu/tháng, hoặc các khoản tiền thưởng từ các huy chương đạt được. Tổng cục Thể dục thể thao thưởng 25 triệu do thành tích đạt được tấm huy chương đồng đi bộ châu Á của cô gái sinh năm 1990 này, đồng thời việc bảo vệ thành công tấm huy chương vàng đi bộ ở SEA Games sẽ giúp Thanh Phúc có khoản tiền thưởng tầm 45 triệu. Chưa kể việc thi đấu tốt ở giải châu lục như năm vừa rồi sẽ giúp Thanh Phúc có được khoản tiền thưởng cao hơn ở năm sau.

VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc may mắn có được khoản thưởng nhờ nhiều thành tích đã đạt (ảnh: Bongdaplus)

Ngay đến như VĐV số một của môn Thể dục dụng cụ Việt Nam - Phan Thị Hà Thanh cũng không được đồng thưởng tết nào. HLV Nguyễn Thanh Thúy, người thầy của cô cũng chỉ được Sở Văn hóa – Thể Thao – Du Lịch Hải Phòng thưởng cho một khoản từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay, cả hai thầy trò vẫn may mắn có được nhiều khoản thưởng khác để vui tết: 80 triệu đồng/người vì đoạt HCV Cúp thế giới; 60 triệu đồng/người HCV giải vô địch châu Á. Giải vô địch Toyota không được nhà nước thưởng, nhưng lại được BTC Nhật Bản thưởng 150.000 yên/người (tương đương khoảng 40 triệu đồng) cho tấm HCV, còn tấm HCĐ thì được 80.000 yên/người.

Đáng buồn đây cũng chỉ là trường hợp ít ỏi, đa phần các VĐV khác thì không được may mắn như vậy. Những VĐV thuộc biên chế khối lực lượng vũ trang còn có thể trong vào lương từ cấp bậc chức vụ, còn lại thì chưa thấy động tĩnh gì từ các cơ quan chủ quản về vấn đề thưởng Tết.

Vẫn biết là tình hình chung, nhưng các VĐV cũng cần phải chi tiêu trang trải cho cuộc sống, nhất là dịp Tết đến xuân về. Để đảm bảo tính động viên khích lệ cũng như giữ gìn các tài năng thể thao, thiết nghĩ các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản cần có biện pháp thiết thực cũng như Nhà nước cũng nên có khoản viện trợ để lo cho các VĐV nước nhà có một cái Tết tươm tất, đầm ấm./.